6 giải pháp để hoàn thành mục tiêu Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025

6 giải pháp để hoàn thành mục tiêu Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Phát biểu tại hội thảo "Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt" diễn ra sáng nay (17/10) tại TP.HCM ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho biết, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về TTKDTM tiếp tục được hoàn thiện, hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Theo đó, NHNN, Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thanh toán.

Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Quyết định phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN)

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN)

NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng, triển khai các giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ, thúc đẩy TTKDTM, như: ban hành chính sách giảm phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN...

Đồng thời, NHNN và Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Công an và NHNN...

Còn các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như: Bộ Công an đã ban hành Thông tư quy định về kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định quy định kỹ thuật về dữ liệu trong TTKDTM đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục...

Phát triển hạ tầng thanh toán và dịch vụ hiện đại

Theo Vụ trưởng Vụ thanh toán Phạm Anh Tuấn, đối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia, NHNN tiếp tục quan tâm và nâng cấp, hiện đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc nhà nước (KBNN) cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp.

Đối với việc phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia (Napas) tổ chức vận hành tiếp tục đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để cung cấp dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông...

Cụ thể, triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán phí và lệ phí tới 71 Bộ ngành/Địa phương; triển khai thanh toán cho 7 nhóm dịch vụ bao gồm: nộp Bảo hiểm xã hội, thuế Bất động sản, nộp phạt Vi phạm giao thông, tạm ứng án phí, phí và lệ phí, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân; mở rộng hình thức thanh toán bằng mã VietQR trên cổng Dịch vụ công Quốc gia với 17 ngân hàng.

Hiện các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán, chuyển tiền, rút tiền tại ATM bằng mã QR, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, qua đó góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Theo đó, có trên 82 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 52 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ), có khoảng 30 NHTM và 17 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua QR Code. Có 21.349 ATM và 462.247 POS, tăng tương ứng 3,59% và 26,84% so với năm 2021 (ngoài ra, có trên 150.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code - một hình thức thanh toán mới tại đơn vị chấp nhận thanh toán tương tự như thanh toán qua POS).

NHNN cũng cho hay, dịch vụ thẻ ngân hàng tiếp tục được các tổ chức phát hành thẻ quan tâm phát triển. Đến cuối tháng 6/2023, tổng số lượng thẻ lưu hành đạt gần 139 triệu thẻ (tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2022). Các đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ thẻ chip tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code).

Song song với phương thức truyền thống, các ngân hàng cũng rất tích cực triển khai phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC). Đến nay, đã có 27/60 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức về mở thẻ ngân hàng bằng phương thức eKYC với hơn 10,8 triệu thẻ đang đang hoạt động.

6 giải pháp để hoàn thành mục tiêu

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ thanh toán Phạm Anh Tuấn cho rằng, hành lang pháp lý trong lĩnh vực TTKDTM cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.

Đồng thời, việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ như: viện phí, học phí, tiền nước ở một số tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi còn thấp; phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng tại khu vực thành thị, điều kiện kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, đối tượng khách hàng là công chức, viên chức (cá biệt có tỉnh Đắk Nông còn chưa có khoản thu liên quan đến viện phí qua ngân hàng).

Ngoài ra, theo NHNN vẫn còn nhiều người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không muốn sử dụng thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi sử dụng. Để triển khai hoàn thành các mục tiêu của Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 nói chung, mục tiêu về phát triển thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công, theo Phó vụ trưởng Vụ thanh toán Phạm Anh Tuấn, NHNN xác định một số định hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Cụ thể, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; trong đó tập trung sửa đổi Luật Các TCTD, rà soát Luật NHNN, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về TTKDTM; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn.

Thứ hai, chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Thứ ba, tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm từng bước làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng… để phát triển các ứng dụng nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động TTKDTM, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM.

Theo NHNN, kết quả thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công: KBNN đã triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước (NSNN) và thanh toán sản phẩm điện tử với 20 NHTM hoạt động an toàn, ổn định, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ Tài chính, góp phần tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thu NSNN.

Cụ thể, trong lĩnh vực hải quan, tỷ lệ thu qua các NHTM phối hợp thu và KBNN tăng từ 53% (2014) lên 62,86% (2015), 87,63% (2016) và 99,8% (2022); cơ quan hải quan chỉ thu bằng tiền mặt đối với cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu;

Lĩnh vực thuế: Từ tháng 4/2023, cơ quan thuế đã phối hợp với hệ thống ngân hàng, kho bạc nhà nước triển khai nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp nhằm đơn giản, hiện đại hóa phương thức thu nộp thuế;

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: 100% cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, cao đẳng) trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí thông qua hệ thống ngân hàng; hầu hết cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đã trang bị sẵn sàng phương tiện phục vụ TTKDTM, thực hiện thông báo và khuyến khích học sinh và gia đình người học nộp học phí bằng phương thức TTKDTM;

Lĩnh vực y tế: Đã có 87,9% (29/33) các bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường Đại học Y, Dược đã triển khai TTKDTM; khoảng 63,8% địa phương - Sở Y tế (30/47 có báo cáo) có số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai TTKDTM, đạt tỷ lệ từ 50% trở lên, trong đó có 12/47 (25,5%) Sở Y tế đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai TTKDTM.

Lĩnh vực an sinh xã hội: 63/63 UBND tỉnh/thành phố trược thuộc Trung ương đã ban hành văn bản triển khai, chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho các sở, ban, ngành, các tổ chức cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội bằng phương thức TTKDTM. Từ tháng 1-5/2023, các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác thu thập thông tin tài khoản của gần 500 ngàn đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội; số đối tượng đã nhận trợ cấp thường xuyên qua tài khoản được gần 100 ngàn người, với tổng kinh phí chi trả gần 69 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực BHXH, theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2022, có khoảng 61% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định 1813), trong đó: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 42% (tăng 5% so với năm 2021); Chế độ BHXH một lần đạt 92% (tăng 7% so với năm 2021); trợ cấp thất nghiệp đạt 96% (tăng 3% so với năm 2021).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện triển khai chi trả cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (theo Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), trong đó số người lao động nhận tiền qua tài khoản cá nhân đạt khoảng 99%.

Tin bài liên quan