Lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán số có bước tăng trưởng đột biến cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán số có bước tăng trưởng đột biến cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến hiện đại, thuận lợi của người dân và doanh nghiệp đang được Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đáp ứng bằng cách không ngừng áp dụng công nghệ mới để đưa ra các giải pháp thanh toán tiên tiến nhất.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngân hàng đề ra để hiện thực các mục tiêu tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ giai đoạn 2021-2025. Trong vai trò đơn vị cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán để cung cấp cho thị trường các giải pháp thanh toán số ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Tiềm năng của thị trường thanh toán Việt Nam

Việt Nam là nước có mức độ sử dụng internet và thiết bị di động khá cao, tạo nền tảng cho tăng trưởng thanh toán kỹ thuật số. Theo báo cáo Digital 2022, tính đến tháng 2/2022 có hơn 72 triệu người dùng internet, tương ứng với tỷ lệ 73,2% dân số, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, về nhân khẩu học, Việt Nam có một tỷ lệ đáng kể dân số trẻ yêu thích và am hiểu về công nghệ. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động và 50% dân số yêu thích và am hiểu về công nghệ.

Mặc dù Việt Nam hiện vẫn là một nền kinh tế với tiền mặt là phương thức thanh toán phổ biến trong các giao dịch bán lẻ, tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng, chuyển khoản... có xu hướng ngày càng tăng, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 43% trong 5 năm qua.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xuất hiện với các biến chủng lây nhiễm nhanh trong 2 năm trở lại đây đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của người dân, đồng thời làm thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến và sử dụng nhiều hơn các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc, phòng chống sự lây nhiễm của dịch bệnh. Trong khi nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch thì lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán số đã có bước tăng trưởng đột biến cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, tính trong 10 tháng năm 2021, giao dịch qua kênh internet tăng 49,39% về số lượng và 29,14% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 72,67% về số lượng và 85,09% về giá trị; giao dịch qua mã QR tăng 54,24% về số lượng và 120,64% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của thanh toán điện tử tiếp tục được ghi nhận qua số liệu từ NAPAS. Trong quý I/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng 89% về số giao dịch và tăng 123% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM tiếp tục có xu hướng giảm về số lượng lẫn giá trị giao dịch.

Bên cạnh đó, cùng với hệ thống các ngân hàng, thị trường thanh toán đã xuất hiện nhiều công ty trung gian thanh toán, công nghệ tài chính cung cấp các phương thức thanh toán mới, trong đó có các giải pháp thanh toán qua mã QR, ví điện tử... sẽ góp phần tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ của thanh toán điện tử tại Việt Nam trong tương lai.

Phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và ngành ngân hàng trong nhiều năm qua, hướng đến mục tiêu mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội và nền kinh tế số.

Người dân thanh toán vé xe bus bằng thẻ chip Napas.

Người dân thanh toán vé xe bus bằng thẻ chip Napas.

Trong kế hoạch của ngành ngân hàng về triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra là phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm góp phần hiện thực những mục tiêu đó, trong vai trò đơn vị cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, thời gian qua, NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán và các doanh nghiệp triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán của mọi cá nhân và hỗ trợ cho hoạt động kinh tế.

Theo đó, kể từ khi ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa đáp ứng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip của Ngân hàng Nhà nước cũng như tiêu chuẩn quốc tế EMV vào cuối năm 2019, đến nay, NAPAS đã phối hợp các ngân hàng triển khai cung cấp bộ sản phẩm thẻ chip đầy đủ gồm thẻ ghi nợ, thẻ trả trước và thẻ tín dụng nội địa. Gần đây,

NAPAS tiếp tục ra mắt sản phẩm thẻ kép nội địa, tích hợp tính năng của cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trên một chiếc thẻ vật lý, đem lại thuận tiện hơn nữa cho khách hàng khi không phải mang theo cùng một lúc nhiều loại thẻ.

Bên cạnh ưu điểm nổi trội của thẻ chip là tính an toàn, bảo mật thông tin chủ thẻ, giúp phòng ngừa rủi ro giao dịch gian lận, giả mạo, thẻ chip còn là phương tiện thanh toán thuận tiện, nhanh chóng cho người dân ở mọi nơi, mọi lúc, từ những quán ăn bình dân cho đến siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim, hay thanh toán trên các trang thương mại điện tử, đặt hàng trực tuyến, mua xăng, thanh toán vé lượt trên xe buýt.

Đặc biệt, với thẻ chip công nghệ không tiếp xúc (contactless), người dùng chỉ cần chạm nhẹ thẻ lên bề mặt của thiết bị chấp nhận thẻ (POS) là có thể hoàn tất việc thanh toán mà không cần phải ký đối với những giao dịch giá trị nhỏ, qua đó gia tăng trải nghiệm trong quá trình thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu thanh toán di động ngày càng cao, từ tháng 6/2021, NAPAS đã phối hợp các ngân hàng triển khai ra mắt tiêu chuẩn VietQR và dịch vụ Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR. So với các phương thức thanh toán bằng mã QR code được cung cấp ra thị trường trước đó, thanh toán bằng mã VietQR cho phép người dùng thực hiện chiều chuyển tiền đi và nhận tiền đến giữa tài khoản các ngân hàng khác nhau thông qua chuẩn chung thống nhất là mã VietQR.

Thay vì phải nhập thông tin số tài khoản, ngân hàng thụ hưởng, số tiền cần chuyển, người dùng chỉ cần vào ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng và quét mã VietQR cá nhân là có thể thực hiện thao tác chuyển tiền một cách đơn giản, thuận tiện và an toàn. Giao dịch được xử lý tức thời, phục vụ liên tục 24h trong 1 ngày, 7 ngày trong 1 tuần với hạn mức mỗi giao dịch dưới 500 triệu đồng.

Chia sẻ về kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS cho biết: “Với sứ mệnh gắn kết người dân, doanh nghiệp bằng sản phẩm thanh toán sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày, NAPAS đã nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để cùng các ngân hàng thành viên phát triển các tính năng thanh toán đơn giản, thuận tiện và an toàn, đồng thời gia tăng trải nghiệm thanh toán cho người sử dụng. NAPAS mong muốn việc mở rộng, kết nối tính năng thanh toán đa nền tảng sẽ thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân và thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia”.

Thời gian tới, trong xu hướng số hóa các phương thức thanh toán, NAPAS sẽ tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới để triển khai cung cấp phương thức thanh toán Tap on phone. Với hình thức này, người bán hàng có thể sử dụng ngay chiếc điện thoại thông minh để thay cho chiếc máy POS do các ngân hàng phát hành, từ đó đơn giản hóa việc phát triển các đơn vị chấp nhận thẻ (merchant) cho các ngân hàng, cũng như giảm chi phí đầu tư thiết bị, đường truyền khi triển khai các điểm chấp nhận thẻ.

Tin bài liên quan