Dệt may là ngành được hưởng lợi lớn nhất khi Việt Nam gia nhập TPP

Dệt may là ngành được hưởng lợi lớn nhất khi Việt Nam gia nhập TPP

9 tháng, triển vọng sáng với ngành dệt may

(ĐTCK) Sau thông tin cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc thành công, những cổ phiếu thuộc lĩnh vực hưởng lợi nhiều như dệt may đã có nhiều phiên tăng giá.

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá GMC tăng 1.800 đồng/CP (+3,94%); TCM tăng 1.500 đồng/CP (+4,17%); TNG tăng nhẹ 0,76%; STK tăng 4.700 đồng/CP (+15,21%) từ khi chào sàn (30/9)… Điều khiến thị trường quan tâm hiện là kết quả kinh doanh 9 tháng của các DN này như thế nào?

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) vừa thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng với doanh thu thuần đạt khoảng 11,258 triệu USD; lợi nhuận biên trước thuế từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt khoảng 9%, tương đương 1,01 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của TCM đạt hơn 37 triệu USD. Cũng trong tháng 9 vừa qua, Công ty đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Thành Công Vĩnh Long với công suất 10 triệu sản phẩm/năm. Đây là nhà máy thuộc dự án đầu tư nhà máy may, đan, nhuộm trị giá 645 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Hoà Phú, tỉnh Vĩnh Long.

Một tân binh mới lên sàn là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng thông báo kết quả kinh doanh khả quan. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, STK ghi nhận doanh thu 630 tỷ đồng, giảm 12% so với kế hoạch 2015 và giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân doanh thu thực hiện thấp hơn kế hoạch chủ yếu là do giá nguyên vật liệu (PET chips) giảm mạnh nên giá bán thành phẩm giảm theo. Bên cạnh đó, doanh số giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do STK tập trung bán những mặt hàng sợi cao cấp (sợi nhuyễn và có giá trị gia tăng cao) nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặc dù có sự giảm sút về doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 của STK đạt 54,6 tỷ đồng, tăng 3,60% so với cùng kỳ năm 2014.

Biên lợi nhuận gộp nửa đầu 2015 đạt 18,34%, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2014 do tốc độ giảm giá bán chậm hơn tốc độ giảm của PET chip và công ty tăng tỷ trọng mặt hàng sợi cao cấp. Việc không sử dụng hết ngân sách của một số khoản mục trong chi phí bán hàng, chi phí quản DN, và chi phí trả lãi vay cũng góp phần nâng cao hiệu suất lợi nhuận.

Ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT STK cho biết, việc giá dầu giảm mạnh kéo theo giá bán thành phẩm giảm, do vậy, doanh thu cả năm của Công ty có thể không hoàn thành kế hoạch nhưng lợi nhuận sẽ thực hiện được. Trong quý III, Nhà máy Trảng Bàng 3 đã đi vào hoạt động, công suất sẽ nâng cao hơn tạo đà gia tăng doanh thu, lợi nhuận trong quý cuối năm hơn. Ước tính quý III, STK đạt doanh thu 310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 27 tỷ đồng và quý IV ước doanh thu 450 tỷ đồng cùng lãi trước thuế 45 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư thương mại TNG (TNG) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần hơn 626,7 tỷ đồng, tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính quý hơn 12,6 tỷ đồng, tăng vọt so với mức hơn 425 triệu đồng của cùng kỳ năm trước.

Chi phí tài chính giảm 29,3%, xuống còn 12 tỷ đồng. Kết quả, TNG ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế hơn 24,9 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do doanh thu tiêu thụ quý này tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Công ty ứng dụng các phần mềm quản lý đơn hàng, sản xuất, kỹ thuật, chất lượng... do vậy, đã tiết kiệm được thời gian, giảm nhiều chi phí.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, TNG đạt hơn 1.424,2 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng cũng tăng mạnh 47% và đạt gần 59 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đã hoàn thành 78,6% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2015. Theo các năm trước, thông thường, hoạt động hai quý cuối năm của Công ty sẽ đạt kết quả tốt hơn so với nửa đầu năm  nhờ yếu tố mùa vụ mua sắm tại Mỹ và châu Âu.

CTCP Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (GMC) ước doanh thu xuất khẩu tháng 8 đạt mức 140 tỷ đồng, nâng doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm lên 950 tỷ đồng. Trong tháng 9, Công ty dự kiến doanh thu 150 tỷ đồng và như vậy sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 75 tỷ đồng trong năm 2015 đã đề ra tại ĐHCĐ thường niên.

Hiện nay, Công ty đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm 2015 và đang xúc tiến, làm việc với khách hàng để xây dựng kế hoạch 2016. Trong tháng 7 vừa qua, GMC cũng vừa tiếp nhận hệ thống phân phối mà Công ty mua lại một nhãn hiệu thời trang của Mỹ. Đây là một trong những bước thử nghiệm của GMC trong việc phát triển nhãn hiệu riêng.

Tin bài liên quan