Vĩnh Phúc hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu về tài chính, ngân sách.

Vĩnh Phúc hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu về tài chính, ngân sách.

9 tháng: Vĩnh Phúc thu ngân sách từ tiền đất tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, 9 tháng đầu năm, về tài chính ngân sách, tỉnh đều đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có những khởi sắc nhất định, từ đó tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước cho tỉnh. Tính đến 15/9/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.013 tỷ đồng, tăng 4,66% so với cùng kỳ, bằng 78,43% dự toán.

Trong đó, thu nội địa đạt 20.250 tỷ đồng, tăng 0,84%, chủ yếu tăng ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đạt 14.280 tỷ đồng, chiếm 70,52% thu nội địa) tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước.

So với dự toán giao đầu năm, tính đến nay, các khoản thu về nhà, đất là nguồn thu vượt mức dự toán lớn nhất (đạt 2.828 tỷ đồng), vượt 64,11%. Thu Hải quan đạt 4.742 tỷ đồng, tăng 33,72% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, công tác quản lý chi ngân sách đã được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng chi ngân sách Nhà nước đến ngày 15/9/2022 đạt 15.725 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển (bao gồm cả tạm ứng) đạt 8.783 tỷ đồng, tăng 17,38%; chi thường xuyên đạt 6.907 tỷ đồng, giảm 3,63% so với cùng kỳ.

Đến 15/9/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 97.000 tỷ đồng

Đến 15/9/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 97.000 tỷ đồng

Về hoạt động ngân hàng, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…; đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đến 15/9/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 97.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ, tăng 0,7% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ cho vay đến 30/9/2022 ước đạt 114.500 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cuối năm 2021.

Cơ cấu tín dụng phân theo kỳ hạn vay vốn và ngành, lĩnh vực kinh doanh hầu hết không có nhiều sự biến động so với tháng trước. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,1 - 5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6 - 6,7%/năm. Nhiều ngân hàng thực hiện chính sách ưu đãi, hạ lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.

Tin bài liên quan