Ấn Độ vượt qua Hồng Kông trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới

Ấn Độ vượt qua Hồng Kông trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với triển vọng tăng trưởng và những cải cách chính sách, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã trở thành đối tượng được các nhà đầu tư toàn cầu yêu thích và lần đầu tiên vượt qua chứng khoán Hồng Kông.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tổng vốn hóa thị trường của cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch Ấn Độ đạt 4.330 tỷ USD tính đến cuối ngày thứ Hai (22/1), so với 4.290 tỷ USD của cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch Hồng Kông. Điều đó khiến Ấn Độ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ tư thế giới. Vốn hóa thị trường chứng khoán của Ấn Độ lần đầu tiên vượt qua 4.000 tỷ USD vào ngày 5/12.

Chứng khoán ở Ấn Độ đang bùng nổ nhờ lượng nhà đầu tư cá nhân tăng mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp cao. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đã định vị mình là một giải pháp thay thế cho Trung Quốc, thu hút nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư và công ty toàn cầu, nhờ vào nền chính trị ổn định và nền kinh tế định hướng tiêu dùng, nước này vẫn nằm trong số các quốc gia lớn phát triển nhanh nhất.

Vốn hóa thị trường chứng khoán Hong Kong và Ấn Độ

Vốn hóa thị trường chứng khoán Hong Kong và Ấn Độ

Ashish Gupta, Giám đốc đầu tư của Axis Mutual Fund ở Mumbai cho biết: “Ấn Độ có sẵn tất cả các yếu tố phù hợp để tạo đà tăng trưởng hơn nữa”.

Sự phục hồi không ngừng nghỉ của chứng khoán Ấn Độ trùng với đợt sụt giảm mạnh ở Hồng Kông, nơi niêm yết một số công ty sáng tạo và có ảnh hưởng nhất Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và căng thẳng địa chính trị với phương Tây đã làm xói mòn sức hấp dẫn của Trung Quốc với tư cách là động lực tăng trưởng của thế giới.

Những lo ngại này cũng đã gây ra một cơn hỗn loạn trên thị trường chứng khoán, với tổng vốn hóa thị trường của chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm hơn 6.000 tỷ USD kể từ mức đỉnh vào năm 2021. Danh sách công ty niêm yết mới ở Hồng Kông suy giảm, trung tâm tài chính châu Á này đang mất đi vị thế là một trong những địa điểm bận rộn nhất thế giới cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Tuy nhiên, một số chiến lược gia mong đợi một sự thay đổi. Theo một báo cáo tháng 11, UBS Group nhận thấy chứng khoán Trung Quốc có thể vượt trội so với các cổ phiếu cùng ngành của Ấn Độ vào năm 2024 vì mức định giá thấp cho thấy tiềm năng tăng giá đáng kể khi tâm lý thị trường thay đổi, trong khi cổ phiếu Ấn Độ đang được định giá ở mức khá cao. Bernstein kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi và khuyến nghị chốt lời từ cổ phiếu Ấn Độ.

Nhưng thực trạng, sự bi quan đối với Trung Quốc và Hồng Kông ngày càng sâu sắc hơn trong năm mới trong bối cảnh thiếu các biện pháp kích thích kinh tế lớn. Chỉ số Hang Seng China Enterprises - thước đo cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông - đã giảm khoảng 13% từ đầu năm tới nay sau khi kéo dài 4 năm sụt giảm liên tiếp vào năm 2023. Chỉ số này đang giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, trong khi chỉ số của Ấn Độ đang giao dịch gần mức cao kỷ lục.

Theo một nghiên cứu gần đây của Diễn đàn Các định chế Tài chính và Tiền tệ Chính thức (OMFIF), các nhà quản lý quỹ lương hưu và tài sản công toàn cầu cũng được cho là có thiện cảm với Ấn Độ.

Các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót hơn 21 tỷ USD vào cổ phiếu Ấn Độ vào năm 2023, giúp chỉ số S&P BSE Sensex đạt năm tăng thứ tám liên tiếp.

“Có sự đồng thuận rõ ràng rằng Ấn Độ là cơ hội đầu tư dài hạn tốt nhất”, các chiến lược gia của Goldman Sachs cho biết.

Tin bài liên quan