Ấn Độ gia nhập hàng ngũ siêu cường thị trường chứng khoán

Ấn Độ gia nhập hàng ngũ siêu cường thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày càng có nhiều sự quan tâm tới thị trường chứng khoán Ấn Độ khi vốn hoá thị trường chứng khoán nước này đạt mức cao kỷ lục và đã vượt ngưỡng 4.000 tỷ USD vào cuối tháng 11.

Ấn Độ có hai Sở giao dịch lớn: Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) và Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE).

Đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã khiến NSE chiếm vị trí của Hồng Kông trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ bảy thế giới, dựa theo dữ liệu từ Liên đoàn các sàn giao dịch thế giới (WFE) cho thấy.

Theo Refinitiv, sự đi lên của giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ đồng nghĩa với việc nước này chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về vốn hoá thị trường.

Chỉ số Sensex của Ấn Độ - bao gồm 30 công ty lớn - đã tăng hơn 16% trong năm nay, trong khi chỉ số Nifty 50 tăng hơn 17%.

Các sàn giao dịch của Ấn Độ cũng đang chứng kiến sự bùng nổ trong các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo báo cáo của Ernst & Young, cả nước đã có 150 công ty niêm yết mới trong 9 tháng đầu năm 2023. Trong khi Hồng Kông có 42.

Ấn Độ tỏa sáng, Trung Quốc chững lại

Các nhà phân tích cho biết, sự gia tăng chứng khoán của Ấn Độ phản ánh sức mạnh và tiềm năng của nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay, nhưng một số nhà kinh tế cho rằng mức tăng trưởng có thể lên tới gần 7%.

Tăng trưởng GDP của Ấn Độ đã đạt 7,6% trong quý III, tốc độ nhanh hơn nhiều so với ước tính của ngân hàng trung ương nước này. Điều bất ngờ đó đã khiến cả Citigroup và Barclays đều nâng dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Ấn Độ lên 6,7%.

Tâm lý tích cực đối với Ấn Độ trái ngược hoàn toàn với tâm lý của quốc gia láng giềng là Trung Quốc. Nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu tiêu dùng suy yếu và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán nước này. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 7% trong năm nay trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) giảm gần 19%.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management cho biết: “Diễn biến của chứng khoán Trung Quốc trong 10 tháng qua cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa khởi đầu năm đầy lạc quan và nửa cuối năm đáng thất vọng…Sự tăng trưởng khác nhau giữa Ấn Độ và Trung Quốc là chìa khóa trong cuộc chiến giành dòng tiền tại thị trường mới nổi”.

Trong khi các vấn đề kinh tế của Trung Quốc có thể gây áp lực giảm sút triển vọng tăng trưởng của nhiều nước ở châu Á, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ vẫn kiên cường.

Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo tháng 11: “Nền kinh tế Ấn Độ có ít mối liên kết kinh tế nhất với nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc… Hơn nữa, chứng khoán Ấn Độ thể hiện mức độ nhạy cảm về giá thấp nhất trước sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc trong khu vực”.

Ấn Độ cũng ít nhạy cảm hơn với các rủi ro kinh tế toàn cầu khác, một phần vì các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước đang ngày càng có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ.

Goldman Sachs cho biết thêm: “Chúng tôi cho rằng dòng vốn nội địa sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường và hạn chế mọi rủi ro giảm giá lớn trong trường hợp rủi ro toàn cầu”.

Trong một báo cáo tháng 12, Nomura cũng cho biết Ấn Độ “ít phải đối mặt với suy thoái thương mại toàn cầu” và có thể là “đối trọng với Bắc Á nếu tình trạng suy thoái ở phương Tây xảy ra và Trung Quốc tiếp tục gây thất vọng về khả năng phục hồi”.

Nomura cho biết Ấn Độ là "nơi có một số nguồn hàng chất lượng cao... mặc dù đắt đỏ", đồng thời cho biết thêm rằng Ấn Độ cũng có thể được hưởng lợi từ việc các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Kể từ năm ngoái, Apple đã mở rộng sản xuất đáng kể ở Ấn Độ sau khi gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đại lục.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Ấn Độ cũng đã trở thành “điểm đến kinh doanh trung hạn hứa hẹn nhất” cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Trung Quốc bị đẩy xuống vị trí thứ hai vì kinh tế suy thoái và căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Điều gì sắp xảy ra tiếp theo?

Bất chấp sự phát triển kinh tế gần đây của nước này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tránh xa Ấn Độ trong nửa đầu năm 2024, khi nước này chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng 4 và tháng 5.

Goldman Sachs lưu ý: “Trong ngắn hạn, trong khi sự bất ổn liên quan đến bầu cử và môi trường vĩ mô toàn cầu khắc nghiệt có thể khiến dòng vốn nước ngoài yếu đi trong 3-6 tháng tới, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ tăng lên sau khi sự bất ổn về bầu cử giảm dần”.

Nhưng không phải nhà kinh tế nào cũng lạc quan về triển vọng của Ấn Độ và một số người cho rằng đà suy thoái của nước này đang đến gần.

Alexandra Hermann, nhà phân tích của Oxford Economics cho biết: “Tiêu dùng tư nhân vẫn mạnh cho đến nay. Tuy nhiên, với việc một phần trong số đó bị nợ nần và thị trường lao động gặp khó khăn, chi tiêu năm nay có thể quay trở lại ám ảnh người tiêu dùng vào năm tới”.

Các nhà phê bình cũng cho rằng đà tăng trưởng hiện tại của thị trường chứng khoán không phải là thước đo đáng tin cậy nhất để đánh giá nền kinh tế Ấn Độ, vốn đang nỗ lực tạo việc làm phù hợp cho lượng dân số đông đảo trong độ tuổi lao động và đưa ra lộ trình tăng trưởng bền vững và toàn diện.

“Vì nhiều lý do… chúng tôi đã thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn ở đất nước này tăng lên, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và phi chính thức lại hoạt động tương đối kém. Nhưng chỉ những doanh nghiệp lớn được niêm yết trên thị trường chứng khoán - nơi đưa ra một bức tranh sai lệch về nền kinh tế rộng lớn hơn”, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan và nhà kinh tế học Rohit Lamba đã viết trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu” mới xuất bản gần đây.

Tin bài liên quan