Chính phủ kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ẩn số giá cả hàng hóa năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ hạ nhiệt. Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam sẽ căng thẳng hơn do có độ trễ và xuất phát từ một số nguyên nhân nội tại.

Rủi ro lạm phát: Thế giới giảm, Việt Nam tăng

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố ngày 10/1/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại đáng kể do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2023 (thấp hơn mức 3% mà tổ chức này dự báo hồi tháng 6/2022) và 2,7% vào năm 2024.

Báo cáo của WB cũng lưu ý rằng, một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần khi năm 2022 sắp kết thúc cùng với đà giảm của giá năng lượng và hàng hóa, song việc gián đoạn nguồn cung mới vẫn ở mức cao và lạm phát còn kéo dài.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi hạ dự báo GDP toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% (giảm 0,2% so với dự báo tháng 7/2022) cũng đồng thời nâng dự báo lạm phát năm 2022 lên 8,8% (tăng 0,5% so với dự báo tháng 7/2022), trước khi giảm xuống mức 6,5% năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.

Bình luận về điều này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh đối với một số nước lớn như Mỹ, EU, Anh, Đức… Thực tế từ quý IV/2022 đến nay, giá cả đã giảm đáng kể về cả năng lượng và phi năng lượng.

Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, lạm phát tháng 11/2022 chỉ còn tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước đó, trong khi tháng 10 tăng 7,7% và tháng 9 tăng 8,2%.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam dự báo, nếu tháng 12/2022, lạm phát Mỹ chỉ còn 6,6% thì khả năng tại phiên họp ngày 1/2 tới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất thêm 0,25%/năm, thay vì 0,5%/năm.

“Kịch bản lạc quan là sau đó không tăng nữa, còn kịch bản cũ là còn tăng 2 lần nhưng biên độ giảm dần”, ông Thành nói.

Theo các chuyên gia, lạm phát toàn cầu giảm nhiệt là do giá dầu đã đạt đỉnh trong năm 2022, do hiệu quả của việc Fed 5 lần tăng lãi suất trong năm và nguy cơ suy thoái toàn cầu gây áp lực giảm giá hàng hoá cơ bản trên thế giới.

Trong khi đó, lạm phát tại Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ có diễn biến ngược lại. Cụ thể, do nền kinh tế có độ trễ khoảng 6 tháng so với Mỹ (Fed tăng lãi suất từ tháng 3/2022 thì tháng 9/2022 Việt Nam bắt đầu tăng), cộng với áp lực lạm phát đến từ trong nước (giải ngân đầu tư công năm 2023 hơn 730.000 tỷ đồng, trong năm sẽ tăng lương cơ sở 20,8% và tăng giá điện, y tế, giáo dục..), do đó, CPI của Việt Nam năm 2023 sẽ tăng khoảng 4 - 4,2% (theo TS Cấn Văn Lực), thậm chí có thể đạt đến 4,5% như chỉ tiêu cho phép của Quốc hội.

Cơ hội vượt khó của doanh nghiệp

Là quốc gia có độ mở kinh tế cao, trong năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào “ngấm đòn” lạm phát của thế giới, thể hiện rõ nhất qua việc sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp sản xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam ghi nhận, cho đến giờ, đã có khoảng 30% lượng đơn hàng của doanh nghiệp bị sụt giảm. Ngoài ra, việc chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống dưới ngưỡng trung tính (50 điểm) trong hai tháng liên tiếp 11, 12/2022 và con số hơn 45.000 lao động phải nghỉ việc (thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) càng củng cố thêm nhận định này.

Tuy vậy, trong khi nhấn mạnh các “cơn gió ngược”, là từ gần đây hay được dùng để nói về những khó khăn thách thức của năm 2023, một số chuyên gia cho rằng, trong năm 2023, không thiếu những “cơn gió xuôi” là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng để vượt qua khó khăn do lạm phát.

Động lực thứ nhất phải kể đến là Chính phủ vẫn kiên định với định hướng kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng. Trong năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, thuộc nhóm cao nhất khu vực, song lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15% đã cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt của chính sách.

Sang năm 2023, giới chuyên gia tin rằng, yếu tố chính sách sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để giúp nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua lạm phát nói riêng và khó khăn nói chung, do chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt từ trước và rủi ro đã không còn bất ngờ, khó đoán.

Theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, giá dầu đã qua đỉnh và dự báo sẽ giảm 10% trong năm 2023 trừ khi có biến cố bất thường. Giá cả hàng hoá khác cũng hạ nhiệt, tỷ giá đang kiểm soát tốt.

“Dự báo đến tháng 5/2023, cuộc chạy đua lãi suất của Fed sẽ chấm dứt, Việt Nam sẽ có dư địa để hạ lãi suất trong nửa cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lực nói.

Ngoài ra, vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết đồng ý giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong cả năm 2023. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, tiếp tục đề xuất chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc Trung Quốc nới lỏng giãn cách từ 8/1/2023 và dự báo sẽ mở cửa hoàn toàn trong năm tuy cũng đóng góp vào việc tăng lạm phát (dù không nhiều vì kinh tế Trung Quốc chưa thể hồi phục ngay) song cũng sẽ là “cơn gió xuôi” giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng đơn hàng, nâng cao năng lực chống lại khó khăn.

Cuối cùng, năng lực tự chủ, kinh nghiệm thích ứng với hoàn cảnh của doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để đối phó với lạm phát.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long chia sẻ, năm 2019, khi Tân Long bắt đầu xây dựng thương hiệu gạo cao cấp A An thì gặp ngay biến cố Covid-19. Khi đó, Tập đoàn vừa bắt tay vào tái cấu trúc doanh nghiệp vừa thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền tảng quản trị bài bản. Đến năm 2021, xác định lĩnh vực bán buôn phải phụ thuộc vào tín dụng, tỷ giá, luôn chịu áp lực bởi những yếu tố khó kiểm soát nên Tân Long đã chuyển hướng: thu hẹp mảng bán buôn để tập trung sản xuất lúa gạo và đầu tư chăn nuôi.

“Cũng có lúc bối rối vì lãi suất tăng làm chi phí tăng, lãi tăng khách hàng khó khăn họ cũng giảm mua hàng của mình, chúng tôi cố gắng vượt khó bằng cách tự chủ nguồn lực, không phụ thuộc vào vốn vay. Rồi tỷ giá sau một đêm ngủ dậy đã tăng vài phần trăm, tôi mong rằng sẽ được hiểu chính sách sớm hơn, tránh bị động”, ông Trung nêu quan điểm.

Tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam, do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/1 vừa qua, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã thông tin về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023.

Theo đó, tiếp nối thành công của chính sách tài khoá năm 2022 (với tổng số tiền giãn, hoãn thuế phí cho doanh nghiệp lên tới 193,4 ngàn tỷ đồng), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo và đang hỏi ý kiến các cơ quan liên quan về việc tiếp tục gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế đất.

“Về cơ bản, chính sách gia hạn nộp thuế này có sự kế thừa của chính sách năm 2022 nhưng giá trị cao hơn, ước tính quy mô khoảng 115.000 – 130.000 tỷ đồng (năm 2022 là 106.000 tỷ đồng). Số tiền này thực tế Nhà nước không mất đi mà chỉ chậm đòi, tức là cho doanh nghiệp vay như một khoản tín dụng lãi suất 0% để doanh nghiệp có thể giảm bớt áp lực lạm phát”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Tân, Bộ Tài chính cũng đang có ý tưởng để trình đề xuất miễn giảm tiền thuê đất cho đối tượng thuê đất nộp tiền hàng tháng, mức giảm khoảng 30% với tổng số tiền giảm khoảng 1.000 - 1.100 tỷ đồng.

Tin bài liên quan