Nam Việt là doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu cá tra

Nam Việt là doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu cá tra

ANV “ngược dòng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu ANV của Công ty cổ phần Nam Việt đã ghi nhận mức tăng ấn tượng 44% trong gần 1 tháng qua giữa bối cảnh các cổ phiếu cùng ngành xuất khẩu cá tra gần như đứng yên.

P/E lên mức… 132,12 lần

Sau nhịp giảm sâu cùng thị trường chung vào đầu tháng 4/2025 do ảnh hưởng của cú sốc thuế quan từ Mỹ, cổ phiếu ANV gây chú ý với mức tăng 90% kể từ đáy ngắn hạn, thiết lập trong phiên 9/4/2025. Riêng giai đoạn từ ngày 19/6 - 8/7/2025, thị giá cổ phiếu này tăng từ 16.350 đồng/cổ phiếu lên 23.550 đồng/cổ phiếu, tức tăng 44% (cùng thời gian, chỉ số VN-Index chỉ tăng 4,7%).

Trong khi đó, thị giá của các cổ phiếu xuất khẩu thuỷ sản nói chung và nhóm xuất khẩu cá tra nói riêng như FMC (của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta), VHC (của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn), IDI (của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I)… gần như chỉ đi ngang sau nhịp phục hồi nhẹ giữa tháng 4.

Theo thông tin từ lãnh đạo Nam Việt, Công ty có 250 ha vùng nuôi truyền thống, giúp cung cấp đến 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm và 600 ha vùng nuôi công nghệ cao được đầu tư từ năm 2018, giúp cung cấp đến 250.000 tấn cá nguyên liệu/năm. Dù đã trở lại thị trường Mỹ từ năm 2022, song thị trường xuất khẩu chính của Công ty là Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Âu… Vì vậy, giới đầu tư kỳ vọng Công ty ít chịu ảnh hưởng của biến động thuế quan của Mỹ hơn so với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác như Vĩnh Hoàn…

Một trợ lực khác cho đà tăng của thị giá ANV là kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm. Theo đó, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 144 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 11 quý trở lại đây của Công ty.

Tuy nhiên, với việc vừa trải qua nhịp tăng nóng trong thời gian ngắn, định giá P/E của cổ phiếu ANV đã lên mức 132,12 lần (theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI), cao hơn nhiều so với trung bình ngành là 55,39 lần; còn định giá P/B là 2,25 lần, cao vượt trội so với trung bình ngành là 1,4 lần. Một so sánh tương quan với doanh nghiệp đầu ngành cá tra như Vĩnh Hoàn, định giá P/E hiện tại chỉ ở mức 10,71 lần.

Rủi ro đảo chiều

P/E của ANV đã lên mức 132,12 lần, cao hơn nhiều so với trung bình ngành là 55,39 lần.

Đáng nói là, thị giá cổ phiếu ANV tăng nóng trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Trong đó, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng mạnh trên 20% trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2025 chỉ ghi nhận mức tăng 4%, đạt 876 triệu USD.

Được biết, trong giai đoạn hoãn thuế đối ứng 90 ngày, nhiều lĩnh vực cho thấy dấu hiệu tích trữ hàng hoá của các nhà nhập khẩu, trong đó có thủy sản, dẫn tới số liệu xuất khẩu nửa đầu năm 2025 duy trì đà tăng trưởng cao. Tuy nhiên, sau thời gian gom hàng, việc tiêu thụ chậm ở nhiều thị trường và đặc biệt là hiện tượng tồn kho lớn giống giai đoạn hậu Covid-19 năm 2023 có thể dẫn tới kịch bản lặp lại, là giá cá tra và lượng xuất khẩu giảm. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nửa cuối năm 2025.

Trong bối cảnh chịu thách thức từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ với nhiều quốc gia trên thế giới, áp lực cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu khác của Nam Việt dự báo sẽ gia tăng khi dòng chảy thương mại toàn cầu có thể bị xáo trộn.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2025, lãnh đạo các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản như Thực phẩm Sao Ta, Vĩnh Hoàn… đều chia sẻ về khả năng mở rộng hoạt động xuất khẩu ra các thị trường bên ngoài Mỹ như châu Âu, châu Á… để tìm kiếm thị trường thay thế và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ gia tăng.

Bên cạnh đó, theo KBSV, cá rô phi, minh thái và cá tuyết là ba mặt hàng chủ lực đến từ Trung Quốc cạnh tranh trong phân khúc thủy sản đông lạnh giá rẻ và đang chịu mức thuế cao tại Mỹ. Trong bối cảnh bất ổn bên ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ quan tâm hơn với thị trường nội địa. Việc thị trường trọng yếu của trong nhiều năm qua dự báo sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh sẽ tác động tới triển vọng kinh doanh của Nam Việt.

Thực tế cho thấy, do tập trung ở các thị trường Trung Quốc và một số thị trường châu Á với biên lợi nhuận thấp, từ năm 2023 tới năm 2024, biên lợi nhuận gộp của Nam Việt liên tục duy trì ở mức thấp so doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn.

Sau năm 2022 báo lãi kỷ lục 673,7 tỷ đồng, Nam Việt chỉ có lãi hơn 39 tỷ đồng trong năm 2023, tương ứng mức giảm 94,2%; năm 2024 lãi 47,83 tỷ đồng.

Hai năm qua, dù lên kế hoạch kinh doanh tham vọng, nhưng Công ty chỉ thực hiện với một tỷ lệ “khiêm tốn”. Trong đó, năm 2023, Công ty chỉ hoàn thành 21,3% kế hoạch lãi trước thuế 300 tỷ đồng; năm 2024, hoàn thành 21,9% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng.

Lãi mỏng dẫn tới việc hiệu quả sử dụng tài sản và nguồn vốn của Nam Việt đang duy trì ở mức thấp so với ngành. Trong đó, năm 2024, Nam Việt ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) đạt 0,96%, so với trung bình ngành 3,57%; hiệu quả sử dụng nguồn vốn (ROE) đạt 1,69%, so với trung bình ngành đạt 3,18%.

Việc "chạy trước" thị trường quá xa khiến ANV đang gặp phải lực cản khi trong vòng 5 phiên trở lại đây, (kể từ ngày 3/7/2025), cổ phiếu ANV đã bắt đầu có tín hiệu đảo chiều, khi chỉ báo RSI quá mua kéo dài; thanh khoản duy trì mức trung bình cao nhưng giá không tăng, xuất hiện một số cây nến mở cửa giá cao nhưng đóng cửa giá thấp.

Tin bài liên quan