Áp lực lạm phát và tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
Áp lực lạm phát, tỷ giá đang là vấn đề rất đáng quan tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô, khi mà dự báo sắp tới sẽ có nhiều yếu tố tác động đến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất và tỷ giá.
Áp lực lạm phát và tỷ giá

Thực tế với CPI tháng 3/2024 giảm 0,23% so với tháng trước đó, bình quân quý I, CPI chỉ tăng 3,77%, vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn khá cao so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 đến nay.

Trong giai đoạn này, ngoại trừ quý I các năm 2017, 2020 và 2023 có CPI tăng khá cao, tương ứng mức tăng 4,96%, 5,56%, 4,18%, thì quý I các năm còn lại đều tăng giá thấp. Trong đó, thấp nhất là năm 2021, CPI quý I chỉ tăng 0,29%. Quý I các năm còn lại, mức tăng cao nhất cũng chỉ xung quanh 2-2,8%. Trong diễn biến chung đó, mức tăng 3,77% của quý I năm nay là điều đáng chú ý.

Hơn thế, nhiều dự báo cho thấy, áp lực lạm phát trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng bởi tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, rồi tăng lương, rủi ro biến động giá xăng dầu, lương thực…, cũng như rủi ro tăng giá chất bán dẫn, chi phí vận chuyển đường biển, đường hàng không trên thế giới.

Có thể những tác động trước mắt chưa lớn, nhưng vẫn là điều cần cẩn trọng, quan tâm, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng vào những tháng cuối năm, ảnh hưởng tới lạm phát toàn cầu, qua đó tác động đến Việt Nam.

Không chỉ là diễn biến CPI nói chung, mà một điều cũng cần được quan tâm đúng mức. Đó chính là câu chuyện tỷ giá. Chỉ số giá USD tháng 3/2024, theo Tổng cục Thống kê, đã tăng 0,88% so với tháng trước đó; tăng 1,81% so với tháng 12/2023; tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân cả quý I/2024, mức tăng đã lên tới 3,97%.

Không chỉ giá USD ở thị trường “chợ đen”, mà tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại gần đây cũng có xu hướng tăng, có ngân hàng đã bán ra với mức trên 25.000 VND/USD. Thậm chí, dự báo, tỷ giá tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới do nhu cầu nhập khẩu có thể tăng cao, do áp lực dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp và do cả chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam với USD.

Câu chuyện nằm ở chỗ, tỷ giá tăng sẽ tạo áp lực lên lạm phát, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Hệ lụy từ lạm phát tăng, tỷ giá tăng rõ ràng là không nhỏ, đặc biệt là những tác động không thuận lên chi phí sinh hoạt của người dân, cũng như chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2024 đã tăng 1,49% so với quý trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng giảm, mà chi phí sản xuất lại tăng cao, thì tất yếu hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn tới hệ lụy tiếp theo là nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Con số hơn 74.000 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường trong quý I/2024 là đáng quan ngại.

Trong bối cảnh như vậy, việc chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành vĩ mô, bao gồm cả việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đồng thời chủ động phương án ứng phó với các tình huống có thể phát sinh là rất quan trọng. Việc thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của nền kinh tế, qua đó làm giảm dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm áp lực lên tỷ giá cũng là điều cần thiết.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện cần trong lúc này, để từ đó tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - mục tiêu đang được ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Tin bài liên quan