Nhiều công ty chứng khoán cắt giảm tỷ lệ cho vay margin.

Nhiều công ty chứng khoán cắt giảm tỷ lệ cho vay margin.

Áp lực tiền vơi vẫn còn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách thắt chặt tiền tệ và những lo ngại về bức tranh vĩ mô có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực diện lên dòng tiền là yếu tố chính chi phối xu hướng thị trường giai đoạn hiện nay, lấn át các phân tích cơ bản và cả phân tích kỹ thuật. Thực tế này có thể tiếp diễn trong thời gian tới khi vẫn có một số yếu tố quan trọng làm vơi đi dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Dòng tiền margin rút về

Ngày 12/10, Công ty Chứng khoán VPS thông báo, đối với các tài khoản có tỷ lệ ký quỹ thấp hơn tỷ lệ ký quỹ tối thiểu theo quy định, Công ty sẽ thực hiện bán chứng khoán trong phiên để đưa tài khoản về trạng thái an toàn.

Tương tự, một công ty khác gửi thông báo tới khách hàng rằng không thể vay ký quỹ (margin) hoặc ứng trước tiền bán để giao dịch vì đã hết hạn mức cho vay trong ngày, quý khách cần chuyển tiền mặt vào tài khoản để giao dịch. Một số công ty cắt giảm tỷ lệ cho vay margin ở các cổ phiếu vốn hóa trung bình, thậm chí cả cổ phiếu blue-chip.

Đó là những động thái mới nhất. Còn trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã cắt giảm tỷ lệ margin kèm khuyến nghị khách hàng không sử dụng margin và giữ cổ phiếu chỉ ở mức 30% giá trị danh mục.

Giảm liên tục nhiều tuần, VN-Index nhiều phiên có mức giảm mạnh nhất thế giới, nên dòng tiền bắt đáy bắt đầu nhập cuộc, nhưng gặp bẫy tăng giá. Giá cổ phiếu giảm sâu ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư đang ôm hàng khiến thị trường rơi vào vòng xoáy: giá càng giảm, tình trạng call margin (lệnh gọi bổ sung tài sản ký quỹ), force sell (bán giải chấp) càng gia tăng, nhấn chìm chỉ số.

Ghi nhận thông tin từ nhân viên các công ty chứng khoán, quản trị rủi ro được đưa lên mức cao, dù nguồn cho vay margin không căng, thậm chí ở nhiều công ty dư nguồn. Các công ty nhận thấy rủi ro thị trường cao, không còn lựa chọn giãn call margin cho nhà đầu tư như đã thực hiện trong lần giảm mạnh trước đó để chờ sóng hồi, đồng thời công ty cũng muốn tăng nắm giữ tiền mặt.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC ước tính, so với đỉnh, margin toàn thị trường đã giảm khoảng 40%, áp lực call margin trong các phiên giảm điểm vừa qua là lớn, nhưng diện ảnh hưởng so với các lần trước là không rộng bằng.

Áp lực bán của tự doanh trái phiếu

Áp lực thu tiền về trên các kênh chứng khoán, bất động sản vẫn hiện hữu.

Áp lực thu tiền về trên các kênh chứng khoán, bất động sản vẫn hiện hữu.

Bất chấp thị trường giảm sâu, định giá về mức thấp, chỉ báo mua dài hạn xuất hiện, khối tự doanh vẫn bán ròng mạnh và liên tiếp. Từ đầu tháng 10 đến ngày 12/10, ngoại trừ phiên 4/10 mua ròng, khối này bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng.

Bên cạnh các nguyên nhân bán là quản trị rủi ro, cơ cấu danh mục, thì một lý do khá quan trọng là tăng tỷ lệ tiền mặt để đảm bảo thanh khoản giao dịch trái phiếu cho khách hàng muốn bán lại.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán chia sẻ, dù rằng có công ty chỉ thuần môi giới trái phiếu, không có nghĩa vụ hoàn trả tiền cho khách hàng, nhưng để tránh những hệ lụy và đồng hành cùng các tổ chức phát hành, đảm bảo quyền lợi cho trái chủ thì công ty tham gia hỗ trợ như đứng ra mua lại trái phiếu. Những công ty chứng khoán tham gia sâu vào việc tư vấn, phân phối, tạo lập thanh khoản cho trái phiếu chịu áp lực thanh khoản nhiều hơn cho những khoản trái phiếu thanh toán trước hạn gia tăng.

Sự chuẩn bị trước là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà những vụ việc vi phạm ít nhiều tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Động thái này được đánh giá cũng ảnh hưởng dòng tiền dành cho nghiệp vụ kinh doanh khác của công ty chứng khoán như margin, ứng trước…

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho biết, số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến 30/9/2022 ở mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng, thấp hơn thời điểm cuối năm 2021 là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 15% GDP. Nếu trừ đi số trái phiếu do ngân hàng phát hành hơn 400.000 tỷ đồng thì trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng giảm còn hơn 920.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu bất động sản là 455.000 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

“Con số 455.000 tỷ đồng này thực ra có sự phân hoá về chất lượng tín dụng từ cao cho đến thấp và không phải doanh nghiệp nào cũng có rủi ro cao trong việc thực hiện nghĩa vụ nợ”, ông Thuân nói.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, có khoảng 142.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022.

Công ty Chứng khoán Vietcombank ước tính, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2022 là 85.000 tỷ đồng, tập trung ở nhóm ngân hàng (chiếm 53,4%), bất động sản (chiếm 27%). Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 và 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng đang lưu hành.

Năm 2023, lượng trái phiếu đáo hạn lớn hơn năm 2022, nhất là với nhóm bất động sản, nên áp lực thu tiền về của doanh nghiệp phát hành chưa thể giảm. Áp lực thu tiền trên các kênh chứng khoán, bất động sản vẫn hiện hữu, có thể kéo dài cho đến khi thị trường phát hành trái phiếu sôi động trở lại. Thời điểm đó được dự đoán là nửa cuối năm 2023, khi các tổ chức phát hành và các công ty chứng khoán đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đáp ứng quy định mới tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Thiếu lực đỡ từ các ông chủ

Khác với thời điểm thị trường giảm mạnh vì dịch Covid-19 năm 2020, một loạt lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn ‘ra tay” đăng ký mua khối lượng lớn cổ phiếu, thì hiện nay các đối tượng này đăng ký mua vào chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ đầu tháng 9 đến nay, VN-Index giảm 19% điểm số và đang có các phiên kiểm nghiệm mốc hỗ trợ 1.000 điểm - tương ứng đỉnh giá cao nhất năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Phó chủ tịch Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC, mã chứng khoán DIG) đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư hoài nghi về tính khả thi, khi lãnh đạo DIG có lịch sử đăng ký nhưng không mua, mua không mua đủ số lượng đã thông báo.

Lãnh đạo một công ty niêm yết có giá cổ phiếu giảm 70% chia sẻ lý do chưa đăng ký mua vào là phải thủ thế, giữ tiền mặt, vì lãi suất đang tăng.

Nhìn chung, các “ông chủ” đều phòng thủ tiền mặt nhằm phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, nhìn rộng ra nền kinh tế, xu hướng lãi suất tăng là rõ ràng, lãi suất tiền gửi và cho vay đều tăng, tiền rút khỏi các kênh đầu tư tài sản có nhiều rủi ro. Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp không dư tiền và nguồn cho vay bao gồm ngân hàng, đối tác, huy động trái phiếu, cổ phiếu đều hạn chế, nên hành động chung của lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư là thu tiền về.

“Chỉ khi vĩ mô có tín hiệu chuyển biến tích cực rõ hơn, giải tỏa tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư thì thanh khoản thị trường mới được cải thiện. Trước mắt, xu hướng giảm thanh khoản vẫn có thể diễn ra. Thị trường sẽ rơi vào tình trạng sideway (đi ngang) kèm thanh khoản thấp”, ông Ngọc dự báo.

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, VN-Index đã mất 19% điểm số và đang có các phiên kiểm nghiệm mốc hỗ trợ 1.000 điểm - mốc tương ứng đỉnh giá cao nhất năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho rằng, P/E của thị trường hiện khoảng 11 lần (định giá sẽ thay đổi theo bối cảnh lãi suất), thấp hơn so với mặt bằng chung các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia,

Malaysia, Ấn Độ, nhưng thị trường đang thiếu dòng tiền. Quỹ đầu tư nước ngoài lớn cũng bị nhà đầu tư rút vốn nên bắt buộc phải bán cổ phiếu. Xét định giá P/B toàn thị trường, hiện giảm còn 1,7 - 1,8 lần, cũng là mức rẻ so với khu vực.

Cổ phiếu hay trái phiếu vẫn là kênh trú ẩn lạm phát tốt nhất

Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Từ góc độ đầu tư, bản chất của tài sản tài chính cũng không khác tài sản hữu hình như bất động sản, đều cần 3 điều kiện của đầu tư đó là: tính thanh khoản, khả năng sinh lời ổn định và khả năng tăng giá trong tương lai.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hiện nay, cổ phiếu hay trái phiếu vẫn là kênh trú ẩn lạm phát tốt nhất, với điều kiện đó phải là chứng khoán của những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững, có chất lượng tài sản sinh lời ổn định ở hiện tại và tương lai. Có thể một số doanh nghiệp năm nay sẽ không đạt kỳ vọng về lợi nhuận như những năm trước, nhưng đó là điều không ngạc nhiên khi tất cả các kênh tài sản đều khó có khả năng sinh lời cao trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay. So với bất động sản đầu tư với các mức định giá theo khả năng sinh lời và thời gian hoàn vốn lên tới hàng chục năm, thì kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu, điều này đúng với nhiều thị trường phát triển, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Về tài sản đầu tư tại công ty chứng khoán, một số yếu tố sau sẽ giúp nhà đầu tư nhận diện và an tâm trước tình hình thực tế.

Thứ nhất, với tài sản khách hàng đang đặt tại công ty chứng khoán gồm cổ phiếu và trái phiếu, những tài sản này nằm trên ngoại bảng của công ty chứng khoán và được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Bản chất các tài sản đó thuộc sở hữu của nhà đầu tư và công ty chứng khoán chỉ là nơi lưu ký tài sản. Do đó, rủi ro của việc tài sản đặt tại công ty chứng khoán không có, mà nếu có thì chỉ là rủi ro của tổ chức phát hành.

Thứ hai, với trái phiếu doanh nghiệp của những doanh nghiệp hàng đầu, có mô hình kinh doanh bền vững, việc đầu tư chỉ có rủi ro thanh khoản nếu nhà đầu tư có nhu cầu rút trước hạn. Rủi ro phá sản của các doanh nghiệp này được đánh giá với các phương thức tương tự như đánh giá trái phiếu của ngân hàng thương mại.

Trong hoạt động tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí chọn lọc tổ chức phát hành của VNDIRECT rất chặt chẽ, nghiêm ngặt để tránh rủi ro pháp lý và rủi ro từ mô hình hoạt động không bền vững. Các tổ chức phát hành được VNDIRECT lựa chọn đều là doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, đáp ứng được các điều kiện an toàn, minh bạch về tài chính, năng lực kinh doanh cốt lõi tốt.

Thực tế, sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, nhiều nhà đầu tư trái phiếu lo sợ, thậm chí đến VNDIRECT để xin rút tiền trước hạn. Trong điều kiện nhà đầu tư cần tiền, Công ty muốn bảo vệ niềm tin nên vẫn mua lại những trái phiếu chưa đến kỳ đáo hạn. Tuy vậy, chỉ sau 2 ngày hoảng loạn, nhà đầu tư đã bình tâm trở lại, không ít người lại đổ tiền vào trái phiếu. Ở thời điểm hiện tại, việc đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính là điều quan trọng nhất, tránh những rủi ro mang tính hệ thống.

Đối với cơ hội, tôi đánh giá, kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn, đặc biệt là các doanh nghiệp có chỉ số tốt.

Dòng vốn đầu tư công sẽ đẩy mạnh ra nền kinh tế

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Quý IV là quý cao điểm đầu tư công nên kỳ vọng dòng vốn này sẽ đẩy mạnh ra nền kinh tế. Hiện có 42/63 tỉnh, thành phố đã lập xong quy hoạch, 38/38 ngành đã được quy hoạch và đầu tư công dần được đẩy nhanh là tín hiệu tích cực với thị trường.

Nhìn tổng quan về dòng tiền, vấn đề hiện này là tiền kẹt trong hệ thống ngân hàng, kho bạc dẫn đến khan hiếm trên thị trường. Nhưng việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân đầu tư công giúp các doanh nghiệp giảm áp lực, nhiều doanh nghiệp liên quan được hưởng lợi.

Ngoài ra, câu chuyện mà thị trường quan tâm là tỷ giá và lãi suất, đây là hai yếu tố liên quan đến nhau, nếu neo vào tỷ giá thì lãi suất lên cao, thả lỏng tỷ giá thì lãi suất ổn định. Điều chỉnh cân bằng hai yếu tố này là điểm quan trọng.

Ngân hàng Nhà nước còn có công cụ lãi suất ngoại tệ chưa được đem ra sử dụng. Trong thời gian qua, cơ quan này đã điều hành khá thành công, giữ được đồng tiền Việt Nam không quá mất giá. Nhưng nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất thấp quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Điều quan trọng là làm sao có thể giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Chính vì vậy, điều chỉnh lãi suất để một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, đồng thời đạt được những mục tiêu về lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp trông chờ dòng vốn từ Nhà nước

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4

Cienco 4 là doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, dân dụng, thực hiện các hợp đồng xây lắp, chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp trong ngành bị chậm tiến độ, một phần liên quan đến các quy định, thủ tục cũng như tiến độ giải ngân các dự án.

Chúng tôi rất mừng vì Chính phủ đã đẩy mạnh các dự án đầu tư công trong thời gian gần đây. Lâu lắm rồi các doanh nghiệp đầu tư công mới “làm ngày, làm đêm”.

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư công dự kiến là 2,47 triệu tỷ đồng. Năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm đạt 285.400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm. Tuy tốc độ giải ngân hiện vẫn còn hạn chế, nhưng đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công thường thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Thực tế, việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng và mong muốn chờ được điều chỉnh đơn giá.

Nếu thực hiện theo đúng kế hoạch, đầu tư công chính là giải pháp then chốt nhằm kích thích nền kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực trong dài hạn.

Tin bài liên quan