Ông Phạm Xuân Lành.

Ông Phạm Xuân Lành.

Ba kịch bản cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK-online) CTCK Vincom vừa đưa ra 3 kịch bản cho TTCK. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Xuân Lành, Chuyên viên phân tích CTCK Vincom xung quanh nội dung này.

Báo cáo của Vincom cho rằng, áp lực giải chấp các cổ phiếu cầm cố đã giảm đi rất nhiều. Cơ sở của nhận định này là gì, thưa ông?

Các cổ phiếu cầm cố thuộc nhóm những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Để đánh giá về áp lực giải chấp chứng khoán, chúng tôi đã xem xét chỉ số 20 HO-Index và 20 HA-Index, hai chỉ số phản ánh tình hình giao dịch cổ phiếu của 20 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất trên hai sàn. Từ ngày 11/6/2008 đến nay, thị trường có 2 ngày phân phối lớn: 18/6 và 26/6. Những ngày này, tâm lý NĐT ổn định, khối lượng đặt mua tích luỹ được một lượng tương đối, đảm bảo giao dịch thành công với khối lượng lớn nếu bên bán xả hàng. Đó là cơ hội không thể tốt hơn để các ngân hàng thương mại bán ra thành công các chứng khoán phải giải chấp.

Xem xét quy mô lệnh mua - bán cho thấy, trước ngày 18/6, các tổ chức dường như là những người tham gia bán chính khi quy mô lệnh bán luôn lớn hơn 4.000 đơn vị/lệnh. Sau ngày này, các cá nhân mới là những người bán chính trên thị trường khi lệnh bán xoay quanh 2.000 đơn vị/lệnh. Ngày 18/6 là ngày xả hàng, giống như nhiều ngày xả hàng trong quá khứ (8/4, 26/3, 10/3…), một lượng lớn cổ phiếu cần giải chấp đã được bán thành công trong các ngày này. Sau ngày 18/6, quy mô lệnh bán giảm đột ngột. Thị trường có 6 ngày tích luỹ, cầu thị trường tăng dần, cung ngày một giảm. Đến ngày phân phối 26/6, quy mô lệnh bán vẫn duy trì ở mức thấp đối với các cổ phiếu lớn.

Nếu bên bán thực sự có nhu cầu bán lớn thì thị trường khó có thể có khoảng thời gian tích luỹ một cách tự nhiên (hoàn toàn mang tính thị trường) lâu đến vậy. Thậm chí, trong ngày 26/6, lượng đặt bán cũng không áp đảo được lượng đặt mua. Trong khi đó, có thông tin rằng, một số quỹ đầu tư đã đàm phán mua lại các chứng khoán giải chấp.

 

Tuần qua, nhiều thông tin như tốc độ tăng lạm phát đã giảm, cán cân thanh toán đảm bảo, vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh… khiến niềm tin thị trường được củng cố. Theo ông, thị trường có thể giữ được thế đi lên vững chắc?

Hiện nay, với những biện pháp trực tiếp và quyết liệt của Chính phủ, nền kinh tế đang từng bước vượt qua khó khăn. Trên sàn giao dịch chứng khoán, niềm tin của NĐT đang trở lại. Trong trung hạn, chúng tôi đặt ra 3 kịch bản cho TTCK như sau:

- Kịch bản 1: Niềm tin của thị trường ngày một được củng cố. Các NĐT phản ứng mạnh mẽ với cơ hội được sở hữu những cổ phiếu giá rẻ (sau thời gian dài giảm giá), cầu trên thị trường tăng mạnh. Giá chứng khoán trên cả 2 sàn tăng mạnh.

- Kịch bản 2: Thị trường hết áp lực của nguồn cung lớn, nhưng do cần có thêm thời gian để đánh giá các khả năng dài hạn của nền kinh tế, các NĐT tổ chức tham gia thị trường một cách thận trọng. Thị trường được dẫn dắt bởi các NĐT cá nhân, vốn ít kiên định với quyết định đầu tư của mình, tham gia thị trường chủ yếu với mục tiêu lướt sóng, thu lời trong ngắn hạn. Thị trường lúc này sẽ đan xen những ngày giảm giá và tăng giá, tuy nhiên trong trung hạn là ổn định.

- Kịch bản 3: Vì một lý do đặc biệt nào đó, các NHTM chưa thực sự bán các chứng khoán cần giải chấp. Trong tương lai, họ sẽ bán ra với khối lượng lớn. Kinh tế Việt Nam chưa ổn định, các NĐT tổ chức chưa thực sự muốn tham gia thị trường. Cầu thị trường yếu, giá chứng khoán giảm mạnh.

Mặc dù đã có dấu hiệu khả quan, nhưng kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Do đó, kịch bản thứ 2 có nhiều khả năng xảy ra nhất.

 

Vậy đâu là cơ hội đầu tư tại thời điểm này, thưa ông?

Đánh giá các cơ hội đầu tư, chúng tôi nhận thấy, tháng 7 này, các công ty sẽ công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Đây là vấn đề quan trọng, thể hiện mức độ ảnh hưởng của những khó khăn thời gian qua lên hoạt động kinh doanh. Đối với các công ty không bị ảnh hưởng hoặc được hưởng lợi từ các khó khăn, cổ phiếu có nhiều cơ hội được thu mua. NĐT cần quan tâm tới cổ phiếu của các ngành: cao su tự nhiên (DPR, TNC, TRC…); hàng tiêu dùng thiết yếu (VNM, KDC…); hoá chất, tiêu dùng (DPM); khai khoáng (DHA, LBM, BMC…).

Đối với các NĐT tham gia giao dịch trong giai đoạn này, việc lựa chọn được thời điểm mua khi kết thúc chu kỳ phân phối đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thu được lợi nhuận cao nhất, đồng thời kịp xả hàng khi thị trường bắt đầu phân phối lại.