Bamboo Airways lại sắp biến động lãnh đạo cấp cao trong ĐHĐCĐ bất thường lần 3 vào ngày 15/9

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 3, Đại hội dự kiến diễn ra ngày 15/9 tại Hà Nội.
Bamboo Airways lại sắp biến động lãnh đạo cấp cao trong ĐHĐCĐ bất thường lần 3 vào ngày 15/9

Bamboo Airways cho biết, dự kiến sẽ trình cổ đông tờ trình về việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028; tờ trình về miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023 - 2028; tờ trình về việc thông qua sửa đổi Điều lệ Công ty và thay đổi người đại diện pháp luật; và các nội dung khác.

Mặc dù vậy, Công ty vẫn chưa công bố danh sách ứng viên và nội dung cụ thể.

Liên tục thay đổi lãnh đạo cấp cao

Trước đó, tại cuộc họp diễn ra ngày 21/6, Đại hội đồng cổ đông đã bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023 – 2028, bao gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm, cùng với ba nhân vật mới là ông Trần Hòa Bình, ông Hideki Oshima, ông Phan Đình Tuệ.

Trong đó, ông Hideki Oshima được đề cử vào Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways. Còn ông Nguyễn Minh Hải giữ chức Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Bamboo Airways lại thay đổi. Ông Nguyễn Minh Hải không giữ chức Tổng giám đốc tại Bamboo Airways, trong khi ông Oshima Hideki, ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Phan Đình Tuệ nộp đơn từ nhiệm khỏi HĐQT.

Tại cuộc họp ngày 8/7, HĐQT quyết định bầu ông Lê Thái Sâm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng kiêm thêm chức vụ Tổng giám đốc Bamboo Airways thay thế ông Nguyễn Minh Hải.

Lỗ kỷ lục 17.619,3 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn và tăng trích lập dự phòng

Về hoạt động kinh doanh, Bamboo Airways tiết lộ, năm 2022, Công ty tiếp tục lỗ thêm 17.619,3 tỷ đồng so với năm 2021 lỗ 2.280,8 tỷ đồng.

Trong đó, Bamboo Airways ghi nhận lỗ do tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận gộp ghi nhận âm 3.209,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 4.060,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm 95,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2.450,29 tỷ đồng, về 121,14 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 371,7%, tương ứng tăng thêm 1.107,8 tỷ đồng, lên 1.405,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26,7 lần, tương ứng tăng thêm 12.625,4 tỷ đồng, lên 13.098,1 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến) và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Với việc ghi nhận lỗ thêm 17.619,3 tỷ đồng trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, tổng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối của Bamboo Airways là âm 19.335,9 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng.

Với việc lỗ vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đã ghi nhận âm 835,9 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận dương 16.783,5 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của Bamboo Airways tính tới cuối năm 2022 đã giảm 33% so với đầu năm, tương ứng giảm 8.849,9 tỷ đồng, về 18.007,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 92,4% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.037,34 tỷ đồng, về 85,42 tỷ đồng và chiếm 0,5% tổng tài sản.

Ngược lại, tổng nợ vay lại tăng 121,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5,829,9 tỷ đồng, lên 10.623,4 tỷ đồng và chiếm 59% tổng nguồn vốn (đầu năm ghi nhận 4.793,5 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng nguồn vốn).

Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2022, Bamboo Airways đã bất ngờ ghi nhận dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 9.692,2 tỷ đồng so với đầu năm không trích lập. Ngoài ra, Công ty cũng dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 2.800,1 tỷ đồng so với đầu năm không trích lập.

Nếu đối chiếu sang báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến 79,49 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 12.591,4 tỷ đồng, lên 12.749,8 tỷ đồng.

Như vậy, nhiều khả năng, việc trích lập các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khó đòi dẫn tới việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao và công ty phải ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2022.

Được biết, Bamboo Airways đang khai thác 41 đường bay nội địa và 15 đường bay quốc tế. Với 29 tàu bay, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt khách trong năm 2022.

Sang năm 2023, Bamboo Airways định hướng tăng trưởng kinh doanh dự kiến trên hai con số, trong khoảng 15-20% tùy theo diễn biến thị trường. Hãng cũng dự định sẽ triển khai đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên hơn 30 tàu.

Tin bài liên quan