Khoảnh khắc vui vẻ của lãnh đạo Tập đoàn FPT tại đại hội cổ đông thường niên 2023.

Khoảnh khắc vui vẻ của lãnh đạo Tập đoàn FPT tại đại hội cổ đông thường niên 2023.

Bản lĩnh người chèo lái doanh nghiệp trong mùa biển động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những biến động dữ dội của môi trường kinh doanh từ nửa cuối năm ngoái đến nay được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ví bằng từ “biển động”.

Nhìn thẳng vào thực tế

Thời điểm này, nền kinh tế đang diễn biến đúng như những gì ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT dự báo nửa năm trước. Ông dự báo, việc các cường quốc bơm lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong đại dịch đã tạo ra vô số thách thức cho nền kinh tế thế giới hậu Covid-19. Doanh nghiệp sẽ phải đối diện với bối cảnh kinh tế như việc đón nhận một cơn bão.

“Trong bão, khó ai có thể lường trước điều gì. Doanh nghiệp vẫn cần mục tiêu, tầm nhìn dài hạn, nhưng lúc này cần trả lời cho tôi biết thực tế và cụ thể: doanh thu nhận về và doanh số ký mới trong bốn tuần tới là bao nhiêu”, ông nói.

Quý I năm nay, mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường trong nước của Tập đoàn FPT đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.407 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, giảm 8% và 80,6% so với cùng kỳ. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường trong nước, có lẽ FPT cũng đang “thoi thóp”. Việc thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược xuất ngoại từ hơn 10 năm trước đã giúp Tập đoàn liên tục tăng trưởng 2 con số và ghi nhận mức tăng trưởng 19 - 20% về lợi nhuận và doanh thu trong quý đầu năm nay.

FPT càng phát triển, lại càng nhìn thấy nhiều cơ hội, càng có khả năng “chiêu hiền”. Câu nói “voi không thể phi nước đại” dường như không còn đúng với FPT. Một tinh thần thi đua lành mạnh giữa các FPT Mỹ, Nhật Bản, Singapore, theo lời kể của ông Bình tại đại hội cổ đông thường niên 2023, khiến cho tinh thần chiến đấu ở Tập đoàn lúc nào cũng hừng hực.

Cuốn sách gối đầu giường của ông Bình là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về chiến tranh nhân dân. Ông kể, ở những giai đoạn khó khăn nhất của FPT như khủng hoảng năm 2008, ông đều ứng dụng chiến thuật chuyển doanh nghiệp từ “thời bình” sang “thời chiến”, động viên toàn bộ sức người “ra trận”, cá nhân ông cũng trực tiếp tham gia bán hàng nhiều phen.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, lại quan niệm, nếu người thủ lĩnh trong doanh nghiệp không vững vàng, sẽ không đủ sức giữ vững tinh thần cho cả hệ thống. Sự thích ứng, chuyển hướng kinh doanh thật nhanh đóng vai trò quan trọng, như trong đại dịch Covid-19, trọng tâm của Tập đoàn đã dịch chuyển từ những mảng như du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ… sang bán lẻ, sản xuất nông nghiệp, khẩu trang, dược phẩm.

“Đã là thủ lĩnh, tôi không cho phép cuộc sống của gần 22.000 nhân sự và gia đình họ chịu quá nhiều ảnh hưởng. Chúng tôi luôn cố gắng để những tổn thất là tối thiểu và luôn trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, chờ những điều tốt đẹp trong tương lai”, bà chia sẻ bài học kinh doanh.

Điểm giống nhau của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào là sớm hay muộn sẽ trở thành quá khứ, nhưng thực tế, mỗi người sẽ vượt qua giai đoạn này theo cách riêng.

Ý chí và bản lĩnh của những người lãnh đạo doanh nghiệp ở thời điểm này rất quan trọng. Kết quả kinh doanh quý I đang được công bố sẽ có danh sách dài các doanh nghiệp lỗ, lãi, song với nhà đầu tư, tương lai doanh nghiệp mới là điều quan trọng. Doanh nghiệp lãi quý I chưa hẳn đã là điều đáng mừng, khi tương lai quý II, quý III u ám. Doanh nghiệp lỗ quý I nhưng nếu lãnh đạo xoay xở để có giải pháp, có lối ra, lại là điều được kỳ vọng, hoan nghênh. Giá cổ phiếu có thể diễn biến nghịch với những con số trong báo cáo tài chính.

Hành động và kiên cường

Dữ liệu PCI 2022 khiến chuyên gia phân tích và nhà đầu tư lo lắng khi có tới 2/3 doanh nghiệp FDI không có kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh trong 2 năm tới, tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm điều tra. Cả nước có hơn 60.000 doanh nghiệp chết, vốn FDI giảm gần 40% trong quý I.

Bốn thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gồm: khó khăn về tài chính - đặc biệt về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên; thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động; không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo; thiếu thông tin cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Rõ ràng là bối cảnh kinh doanh đang rất bất định. Các lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước thách thức là vấn đề mấu chốt. Muốn vậy, cần sức chống chịu và khả năng giữ vững tinh thần từ những lãnh đạo cao nhất.

“Một vùng biển bình lặng không thể tạo nên những thuyền trưởng tuyệt vời”, thời điểm hiện nay chính là giai đoạn để các doanh nhân bộc lộ bản lĩnh.

“Một vùng biển bình lặng không thể tạo nên những thuyền trưởng tuyệt vời”, thời điểm hiện nay chính là giai đoạn để các doanh nhân bộc lộ bản lĩnh, tinh thần kiên cường, xoay xở để tìm lối đi cho doanh nghiệp, khi nhìn ra xung quanh không ít doanh nhân đã không còn đủ sức để duy trì hoạt động doanh nghiệp, họ buộc phải chọn giải pháp tạm dừng lại, chờ qua cơn sóng dữ...

“Doanh nghiệp càng lớn càng phải chắc phần lõi. Sự thất bại của nhiều doanh nghiệp lớn gần đây đã cho thấy thực tế này”, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh.

Đây là thời điểm có rất nhiều nỗi sợ hãi, thất vọng và thiếu chắc chắn, người lãnh đạo có thể giúp đội ngũ của mình kiểm soát sự hỗn loạn này bằng cách chia sẻ tầm nhìn về những gì có thể đạt được và những nhiệm vụ cần thiết. Thống nhất một tầm nhìn chung về cách để vượt qua khủng hoảng sẽ mang lại cho họ hy vọng và tập trung sự nỗ lực của tất cả để đạt được những kết quả tốt nhất. Chuyên gia dẫn lại kinh nghiệm của Camille Levy, CEO GE Steam Power khu vực châu Á -Thái Bình Dương và Trung Quốc.

Với những trải nghiệm trên thương trường khắc nghiệt hơn 30 năm, tại Diễn đàn Doanh nghiệp tư nhân mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa thể hiện niềm tin rằng, cộng đồng doanh nhân Việt sẽ chèo lái doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thử thách chưa từng có tiền lệ.

Dù rằng muốn vậy phải có sự hậu thuẫn của cơ chế, chính sách, của môi trường kinh doanh, sự thấu hiểu của các cơ quan, chính quyền, song trước khi những chính sách giải cứu đi vào thực tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần hành động nhanh chóng và quyết đoán với thông tin họ có sẵn.

Camille Levy khuyến nghị, trong nhiều trường hợp, lãnh đạo doanh nghiệp bị tê liệt và chọn cách ngủ đông nhưng thực tế quản trị lại cho thấy họ cần chấp nhận rủi ro và đưa ra quyết định, cần tin tưởng rằng đây là những quyết định tốt nhất với kết quả tốt nhất có thể đạt được tại thời điểm đó.

Ông nói: “Trong một cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo cần phải giỏi trong việc áp dụng phương pháp vừa làm vừa học. Bạn có thể phạm sai lầm, miễn là bạn phản ứng linh hoạt, tốc độ. Thất bại nhanh và học hỏi nhanh là rất quan trọng”.

Tin bài liên quan