Bán tháo trên diện rộng trong phiên chiều 15/4, cổ phiếu la liệt nằm sàn

Bán tháo trên diện rộng trong phiên chiều 15/4, cổ phiếu la liệt nằm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đột ngột cắm đầu lao dốc sau thời điểm 14h khi áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến cổ phiếu la liệt nằm sàn, chỉ số VN-Index bốc hơi xấp xỉ 60 điểm, mức giảm mạnh nhất trong gần 2 năm qua.

Phiên giao dịch khởi sắc ngày cuối tuần 12/4 cùng sự trở lại của dòng bank khiến nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng khá cao vào diễn biến thị trường và tin rằng nhịp rung lắc, điều chỉnh nhẹ của phiên sáng 15/4 vẫn trong xu hướng tích lũy để hướng tới vùng giá 1.300 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì trạng thái lình xình quanh mốc 1.270 điểm trong khoảng 1 giờ mở cửa. Tuy nhiên, niềm tin hoàn toàn sụp đổ khi thị trường bất ngờ cắm đầu lao dốc.

Toàn thị trường chỉ còn vài chục mã giữ được sắc xanh, còn lại phần lớn đều chìm trong biển đỏ, đặc biệt là số mã nằm sàn không ngừng gia tăng khi lực bán tháo dần lan rộng. Chỉ số VN-Index khép lại phiên giao dịch đầu tuần bốc hơi tới 60 điểm, xuyên qua các vùng hỗ trợ và là phiên giảm sâu nhất trong gần 2 năm qua, từ khi thị trường hồi phục sau “cú ngã” vào giữa tháng 5/2022.

Màn lao dốc đột ngột khiến nhà đầu tư không kịp trở tay và tất cả đều đặt câu hỏi rằng, điều gì đang xảy ra trên thị trường, thậm chí nỗi lo càng dâng cao hơn về kịch bản cũ có lặp lại khi thị trường trải qua chuỗi ngày dài đen tối vào năm 2022 sau khi VN-Index vượt đỉnh 1.500 điểm.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2022, sau khi thị trường lập đỉnh lịch sử trên mốc 1.524 điểm, chỉ số VN-Index đã bắt đầu rung lắc rồi chuyển qua những ngày dài giảm sâu. Thị trường dần “quen” với những pha lao dốc mạnh với mức giảm lên đến vài chục điểm, điển hình phiên 25/4/2022 giảm hơn 68 điểm, phiên 12/5/2022 giảm hơn 62 điểm, hay các phiên giảm hơn 50 điểm ngày 13/5/2022, ngày 9/5/2022…

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 40 mã tăng và có tới 475 mã giảm, trong đó có tới 109 mã giảm sàn, VN-Index giảm 59,99 điểm (-4,7%) xuống 1.216,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,46 tỷ đơn vị, giá trị 33.567,75 tỷ đồng, tăng mạnh 54,66% về khối lượng và 39,46% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 12/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 137,98 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.180 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất SHB thoát hiểm với mức tăng nhẹ 0,4%, đóng cửa đứng tại mức giá 11.350 đồng/CP với thanh khoản đột biến lên tới hơn 98,76 triệu đơn vị khớp lệnh.

Còn lại 29 mã giảm điểm, trong đó có 6 mã nằm sàn gồm MSN, BCM, BID, GVR, SSI và VRE, cùng các mã bank khác như CTG, TPB, TCB có mức giảm trên 6%. Kết phiên, nhóm vốn hóa lớn này cũng bốc hơi tới hơn 56 điểm, về dưới mốc 1.230 điểm.

Áp lực bán tháo trên diện rộng khiến tất cả các nhóm ngành đều giảm sâu. Trong đó, nhóm chứng khoán đi đầu khi chỉ còn một vài mã nhỏ thoát sắc xanh mắt mèo. Cổ phiếu VIX vẫn là sôi động nhất ngành với hơn 43,87 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tại mức giá sàn 18.150 đồng/CP và dư bán sàn hơn 2,1 triệu đơn vị; các mã lớn hơn như SSI, VND, HCM cũng trong sắc xanh mắt mèo với khối lượng khớp một đến vài chục triệu đơn vị.

Hàng loạt cổ phiếu nóng bất động sản cũng không tránh khỏi “cơn bão táp” với DIG, TCH, DXG, PDR đều dư bán sàn vài triệu đơn vị; các mã khác như CII, HHV, KBC, HQC, BCG, LCG, VCG… cũng đồng loạt trong sắc xanh mắt mèo.

Nhóm cổ phiếu duy nhất ngược dòng thị trường trong phiên sáng là sản xuất nhựa – hóa chất đã đảo chiều và thuộc top giảm sâu với hàng loạt mã giảm kịch sàn.

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chuyển qua trạng thái tiêu cực với PVD, PVC, PVB đều giảm sàn, PVS giảm sát sàn…

Ở nhóm cổ phiếu thép, cặp HSG và NKG đều trong trạng thái dư bán sàn, HPG may mắn không nằm sàn nhưng cũng giảm tới 4,8%...

Trên sàn HNX, nhận tín hiệu tiêu cực từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng cắm đầu lao dốc mạnh với bảng điện tử chìm trong biển đỏ.

Chốt phiên, sàn HNX có 35 mã tăng và 172 mã giảm, trong đó có tới 31 mã nằm sàn, HNX-Index giảm 11,62 điểm (-4,82%) xuống 229,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 163,26 triệu đơn vị, giá trị 3.483,89 tỷ đồng, gấp đôi so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,8 triệu đơn vị, giá trị 45,15 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là gánh nặng chính khi kết phiên giảm tới hơn 42 điểm với toàn bộ 30 mã đều mất điểm, trong đó hàng loạt mã như VIG, DTD, DXP, TNG, BVS, CEO, L18, PVC đều giảm kịch sàn; còn lại phần lớn đều giảm hơn 5%.

Cổ phiếu SHS đóng cửa giảm 8,7% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 19.000 đồng/CP với giao dịch lên tới gần 50,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài SHS, 2 mã khác trong nhóm bluechip cũng có giao dịch đến vài chục triệu đơn vị, đó là CEO khớp 20,94 triệu đơn vị, đóng cửa giảm sàn về mức 20.300 đồng/CP và dư bán sàn gần nửa triệu đơn vị; PVS giảm 9,5% và khớp 17,28 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu lao dốc mạnh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 2,23 điểm (-2,44%) xuống 88,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,16 triệu đơn vị, giá trị 822,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,66 triệu đơn vị, giá trị 36,69 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR không thể tránh khỏi pha lao dốc của thị trường chung. Đóng cửa, BSR giảm 3,1% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 18.900 đồng/CP, khớp lệnh đạt 17,18 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, sau phiên sáng được giải cứu thành công khi được kéo lên trần, cổ phiếu AAH đã trở lại sắc xanh mắt mèo. Đóng cửa, AAH giảm 14% xuống mức 4.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ thua BSR với 9,44 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có thanh khoản một vài triệu đơn vị tiếp theo là SBS, VHG, VGI, DDV, C4G, VAB đều có mức giảm trên 6-8%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó VN30F2404 giảm 49,7 điểm, tương đương -3,9% xuống 1.236,3 điểm, khớp gần 310.620 đơn vị, khối lượng mở 50.326 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ, với CSTB2322 giao dịch cao nhất khi có hơn 5,3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 61,9% xuống 80 đồng/cq. Ở phía sau là CHPG2326 khớp 3,79 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 36,6% xuống 450 đồng/cq.

Tin bài liên quan