Hiện rất khó để bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có lợi thế đất đai ở các thành phố lớn.

Hiện rất khó để bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có lợi thế đất đai ở các thành phố lớn.

Bán vốn nhà nước: Không dễ

(ĐTCK-online) Năm 2010, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phấn đấu hoàn thành bán vốn tại 170 doanh nghiệp với dự kiến doanh thu bán vốn là 708 tỷ đồng. Khi TTCK ngày càng phát triển, việc bán vốn nhà nước trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với những đặc thù như doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ, nằm ở nhiều vùng miền khắp cả nước, công nợ tồn đọng… việc bán vốn không dễ, nhất là khi ranh giới giữa bán vốn hiệu quả và làm thất thoát tài sản nhà nước không có công cụ gì để đo đếm.

Theo kế hoạch bán vốn đã được HĐQT SCIC phê duyệt thì năm 2010 SCIC sẽ hoàn thành bán vốn tại 170 doanh nghiệp với dự kiến doanh thu bán vốn là 708 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch này, SCIC dự kiến triển khai việc bán vốn tại 287 doanh nghiệp. Phó tổng giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Học cho biết, trong những năm tới, hoạt động bán vốn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của SCIC, nhằm nhanh chóng tái cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo hướng giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động trong những ngành Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối vốn để tập trung nguồn lực đầu tư  vào các doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Cùng với sự phát triển của thị trường vốn, trong 4 năm qua kết quả bán vốn của SCIC khá khả quan. Nếu như năm 2006 (năm đầu thành lập), Tổng công ty chỉ bán vốn tại 4 doanh nghiệp thì năm 2007 con số đó là 35, năm 2008 là 59 doanh nghiệp và năm 2009 là 238 doanh nghiệp, gấp 2 lần tổng số doanh nghiệp bán trong 3 năm trước. Hoạt động bán vốn của SCIC được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các CTCK đóng vai trò đơn vị tư vấn cho SCIC trong xác định giá trị doanh nghiệp và tiến hành công bố thông tin, tổ chức bán đấu giá.

Tổng kết của SCIC và các CTCK cho thấy, để việc bán vốn nhà nước hiệu quả, hai bên cần nỗ lực nhiều hơn. Ông Ngô Anh Sơn, Phó tổng giám đốc CTCK VNS cho biết, năm 2009, công ty này đã tham gia bán vốn nhà nước tại 45 doanh nghiệp vùng Tây Bắc. Vì vốn và tài sản nhà nước thuộc sở hữu toàn dân, chịu sự giám sát của toàn dân nên công việc này đòi hỏi phải thực hiện rất chặt chẽ, lưu giữ đầy đủ giấy tờ. Trong khi đó, hiện nay, khi xác định giá khởi điểm doanh nghiệp thuộc diện bán vốn nhà nước không cần có báo cáo tài chính có kiểm toán. Việc định giá trong trường hợp này có thể là rủi ro cho cả CTCK và SCIC.

Khi xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, với đặc thù ở Việt Nam hiện nay, lợi thế đất đai và vị trí địa lý của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, theo Công văn 5868/VPCP ban hành ngày 26/8/2009, việc bán cổ phần tại các doanh nghiệp do SCIC giữ cổ phần chi phối có sử dụng nhiều đất trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của UBND thành phố đó. Với quy định này, rất khó để bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có lợi thế đất đai ở các thành phố lớn. Còn tại các doanh nghiệp không thuộc diện trên, theo phản ánh của nhiều CTCK, SCIC đang áp tỷ trọng lớn của lợi thế vị trí địa lý doanh nghiệp trong việc tính toán giá khởi điểm, vô hình trung giá khởi điểm bị đẩy lên cao và khó bán cổ phần. Bên cạnh đó, do lịch sử để lại, nhiều doanh nghiệp không lưu giữ đầy đủ hồ sơ đất đai, tại nhiều vùng miền, đơn vị tư vấn rất khó tham khảo giá đất thị trường ở khu vực xung quanh  để định giá đầy đủ.

Khó khăn còn nằm ở chính sự hợp tác của doanh nghiệp thuộc diện bán vốn. Năm 2009, có doanh nghiệp ở Quảng Trị, không chỉ CTCK khó tiếp cận doanh nghiệp, ngay cán bộ của SCIC cũng 2 - 3 lần đề nghị được làm việc với doanh nghiệp vẫn không xong, cuối cùng SCIC phải làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị để được hỗ trợ. Có những yếu tố tưởng rất vụn vặt nhưng lại ảnh hưởng lớn tới quá trình bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đơn cử như CTCK nào làm đại lý đấu giá cổ phần cho các doanh nghiệp vùng Tây Bắc nhất thiết phải cử cán bộ có "tửu lượng" tốt đảm trách, nếu không đừng mong dễ nói chuyện với doanh nghiệp. Một cán bộ của SCIC chia sẻ "SCIC chỉ là một cổ đông của doanh nghiệp chứ không phải cơ quan cấp trên của DN. Việc bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp do đó phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của doanh nghiệp".

Tuy vậy, dù có khó khăn đến đâu việc bán vốn phải luôn luôn đảm bảo cả tính hiệu quả và tránh làm thất thoát tài sản nhà nước. Đại diện Bộ Tài chính đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm đẩy mạnh công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp" do SCIC tổ chức cuối tuần qua. "Thuận mua, vừa bán", phương thức này luôn đúng khi bán một món hàng, nhưng với tài sản nhà nước lại đòi hỏi sự cẩn trọng rất lớn. Đã có trường hợp doanh nghiệp đề nghị bán vốn ưu đãi cho người lao động và cung cấp danh sách người lao động cho đơn vị tổ chức đấu giá. Cuộc đấu giá diễn ra thành công, sau đó các bên mới phát hiện những người trúng đấu giá lại không phải là người lao động trong doanh nghiệp. Hay trường hợp đấu giá bán phần vốn nhà nước tại CTCP Du lịch Tiền Giang thời gian qua là hợp lệ theo những quy định hiện hành nhưng gây tranh luận rộng rãi, bởi cuối cùng gần như toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp đều do một gia đình Việt kiều (được coi là nhà đầu tư nước ngoài) thâu tóm.