Báo cáo phát triển bền vững, bước đi đầu tiên

Báo cáo phát triển bền vững, bước đi đầu tiên

(ĐTCK) Đầu tư cho phát triển bền vững chính là đầu tư cho tương lai.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Bộ phận Tư vấn PwC Việt Nam, hội viên kỳ cựu Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Trưởng nhóm chấm giải Báo cáo phát triển bền vững - trong khuôn khổ Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) năm 2013.

Thưa ông, năm đầu tiên bình chọn Báo cáo phát triển bền vững (PTBV) của DN niêm yết, nhóm chấm điểm ghi nhận đặc điểm gì nổi bật?

Điểm đáng ghi nhận trong BCTN năm nay là các báo cáo đã bắt đầu đề cập đến các yếu tố khác nhau về môi trường và xã hội, chứ không chỉ dừng ở hoạt động từ thiện của DN. Có nhiều báo cáo phản ánh khá chi tiết các chỉ tiêu về môi trường như các loại năng lượng mà DN sử dụng (điện, dầu, gas…), khối lượng nước sử dụng và khối lượng nước tái chế hay lượng chất thải mà DN thải ra trong quá trình sản xuất. Các vấn đề xã hội cũng được báo cáo một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Các vấn đề liên quan đến nhân viên như lương thưởng, chính sách phát triển, môi trường làm việc, an toàn lao động… bước đầu đã được đề cập. Nhiều DN đã đưa PTBV vào tầm nhìn và chiến lược của mình. Đặc biệt, có một số DN đã lập một báo cáo PTBV riêng biệt với BCTN. Đây có thể coi là những báo cáo PTBV riêng biệt đầu tiên được lập tại Việt Nam .

Điểm đáng chú ý là một số DN đã bắt đầu áp dụng chuẩn mực báo cáo về PTBV, nên tính đầy đủ, tin cậy, thuyết phục của báo cáo đã tăng lên nhiều so với DN không áp dụng. Có 2 chuẩn mực/hướng dẫn được áp dụng nhiều là chuẩn mực/hướng dẫn của Sáng kiến báo cáo toàn cầu GRI và Hướng dẫn lập báo cáo PTBV của IFC.

 

Ông có khuyến cáo gì về những điểm mà DN cần khắc phục để có thể thực hiện báo cáo PTBV tốt hơn?

Theo tôi, có 4 vấn đề chính mà các DN cần lưu ý.

Thứ nhất, cấu trúc của báo cáo. Bên cạnh một số DN đã bắt đầu áp dụng các chuẩn mực trong việc lập báo cáo, phần lớn đơn vị không áp dụng các chuẩn mực để cấu trúc báo cáo được chặt chẽ. Do đó, đa số báo cáo không thể hiện đầy đủ và có hệ thống các thông tin về PTBV. Nhiều báo cáo thiếu các thông tin rất cơ bản như: ai phụ trách, liên lạc như thế nào, cơ cấu quản trị ra sao, các bên liên quan là ai...

Thứ hai, hệ thống quản trị. Hệ thống quản trị tốt để đảm bảo tính đầy đủ và tin cậy của các thông tin trong báo cáo PTBV là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng của báo cáo PTBV. Hiện chỉ có rất ít DN báo cáo và cung cấp thông tin về hệ thống quản trị của mình, còn lại đa số không nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm và quy trình để đảm bảo thông tin trong báo cáo được rà soát, kiểm tra qua các tầng khác nhau, nhằm đảm bảo tính tin cậy.

Thứ ba, cách thức trình bày báo cáo. Vì đây là năm đầu tiên áp dụng các nguyên tắc về PTBV, nên cách trình bày báo cáo PTBV của các DN còn hạn chế so với thông lệ và chuẩn mực chung. Nếu thang điểm chuẩn là 10 thì các báo cáo PTBV năm nay chỉ đạt điểm trung bình từ 4,5 - 5 điểm. Một báo cáo PTBV tốt phải thể hiện rõ phạm vi của báo cáo trong toàn bộ chuỗi cung ứng của công ty, cho dù công ty đó hoạt động ở lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ. Tuy nhiên, các báo cáo năm nay mới chỉ phản ánh các hoạt động của DN, còn hoạt động của các bên có liên quan khác trong chuỗi cung ứng như nhà cung cấp, khách hàng hay những đơn vị mà DN sẽ đầu tư vào thì phần lớn không được đề cập.

Ví dụ, trong 35 đơn vị được chấm báo cáo PTBV thì các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như ngân hàng, tài chính, các CTCK, quỹ đầu tư… chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Đối với các DN trong lĩnh vực này, một trong những bên có liên quan trong chuỗi cung ứng chính là các DN hay dự án mà công ty có dự định đầu tư/cung cấp vốn. Tuy nhiên, trong báo cáo, phần lớn công ty chưa đề cập đến việc các vấn đề về môi trường và xã hội được tích hợp như thế nào trong quá trình ra quyết định đầu tư. Trong một thông lệ tốt, ngoài yếu tố lợi nhuận từ khoản đầu tư mang lại, đơn vị cần phân tích rõ, khoản đầu tư này ảnh hưởng tới môi trường, xã hội như thế nào và cần đề ra giới hạn của các ảnh hưởng mà đơn vị có thể chấp nhận được. Ở đây không bàn đến hiệu quả của các khoản đầu tư, mà là thông tin gì cần trình bày trong một báo cáo PTBV.

Cuối cùng, việc nhận diện các bên có liên quan, quy trình về tiếp nhận và phản hồi ý kiến của các bên liên quan được thể hiện rất hạn chế trong các báo cáo PTBV năm nay. Theo thông lệ quốc tế, DN cần báo cáo cách thức mà họ nhận diện các bên có liên quan, đánh giá mức độ quan trọng của các bên liên quan trong quá trình phát triển bền vững. Các bên liên quan cũng sẽ được tạo cơ chế tham gia, chia sẻ ý kiến, đóng góp của họ về môi trường và sau đó, DN cần phải phản hồi lại các ý kiến này. Quan trọng nhất, DN cần phải trao đổi với các bên liên quan để hài hòa lợi ích của tất cả các bên. Đây là việc mà hầu hết báo cáo năm nay chưa thực hiện được.

 

Theo đuổi mục tiêu PTBV, lồng ghép mục tiêu đó vào hoạt động thực tế và thể hiện qua báo cáo là việc khá khó khăn và còn mới mẻ với các DN Việt Nam . Theo ông, DN phải làm gì để tiếp cận và thực hiện PTBV cũng như lập báo cáo PTBV tốt?

Vấn đề đầu tiên là sự thấu hiểu của HĐQT, ban điều hành rằng, PTBV không chỉ là tham gia các hoạt động từ thiện mà còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác về môi trường và xã hội. Lãnh đạo công ty cần có cam kết rõ ràng và thể hiện trong chiến lược hoạt động, lồng ghép trong sản xuất - kinh doanh, nghiên cứu phát triển và kể cả trong các hoạt động thường ngày của DN.

Quan trọng hơn, ngay từ khi xây dựng chiến lược và lập kế hoạch hàng năm, DN phải xây dựng một bộ chỉ số để đo lường việc đạt được hay không đạt được các mục tiêu. Các DN cần có cơ chế thu thập dữ liệu liên quan đến các chỉ tiêu định đo lường trong vấn đề PTBV; và đương nhiên cần có cơ chế quản trị tốt để dữ liệu được đảm bảo tính tin cậy.

Báo cáo phát triển bền vững, bước đi đầu tiên ảnh 1

Những hoạt động  thiện nguyện, vì cộng đồng là một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm xã hội của DN 

Khi DN đã có chiến lược cụ thể thì bước đơn giản là áp dụng các chuẩn mực về báo cáo, có thể tham khảo chuẩn mực GRI, IFC, trong đó có đề ra các bước rất đầy đủ. Đó là những xuất phát điểm cơ bản, đảm bảo xây dựng được bộ khung cứng giúp DN biết cần báo cáo những chỉ số gì trong ngành hoạt động của mình, từ đó DN đối chiếu khả năng, năng lực thực hiện của mình để xác định lộ trình thực hiện. Các DN có thể bắt đầu từ những vấn đề cơ bản, sau đó báo cáo nâng cao dần với các chỉ số phức tạp hơn. Cụ thể, một DN có thể công bố sẽ áp dụng các tiêu chuẩn GRI trong báo cáo của mình. Nếu hiện tại, DN không đủ điều kiện để áp dụng được hết các chỉ số này. DN có thể công bố theo giai đoạn, mỗi năm thực hiện nâng cao thêm một vài chỉ số và cứ thế thực hiện trong các năm tiếp theo cho đến khi hoàn thiện đầy đủ bộ chỉ số.

 

Vậy quy mô, tài chính của DN có ảnh hưởng tới chất lượng của báo cáo PTBV không, thưa ông?

Về cơ bản, quy mô của DN không phải là yếu tố quyết định tới chất lượng của một báo cáo PTBV. Một công ty có quy mô lớn không hẳn là sẽ có một báo cáo PTBV có chất lượng hơn một công ty có quy mô nhỏ. Tôi lưu ý rằng, một báo cáo tốt là một báo cáo thể hiện tốt nhất các vấn đề về PTBV của đơn vị đó trong bối cảnh kinh doanh của họ. Trên thực tế, trong năm nay, tôi thấy rằng, có rất nhiều đơn vị có quy mô lớn, nhưng báo cáo PTBV lại sơ sài hơn nhiều so với các đơn vị có quy mô nhỏ hơn.

Việc lập báo cáo PTBV đòi hỏi phải có đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, không phải đơn vị nào cũng có thể bỏ tiền đầu tư một báo cáo PTBV tốt. Năng lực tài chính của DN có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của báo cáo PTBV. Tuy nhiên, cũng không loại trừ một số DN không có năng lực tài chính dồi dào, nhưng vẫn quyết định đầu tư mạnh để làm một báo cáo PTBV tốt, bởi vì có thể có những động lực khác nhau trong việc lập báo cáo PTBV như để chứng minh cho chiến lươck PTBV của họ, thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh bán hàng…