Bảo hiểm hưu trí kỳ vọng quy định mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một thời gian trầm lắng, các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng mảng bảo hiểm hưu trí sẽ dần khởi sắc hơn khi cơ quan quản lý đang xây dựng dự thảo hướng dẫn các quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
Ước tính, mỗi người dân cần tiết kiệm ít nhất 5 tỷ đồng ở tuổi 65 để đảm bảo cho tuổi hưu an nhàn.

Ước tính, mỗi người dân cần tiết kiệm ít nhất 5 tỷ đồng ở tuổi 65 để đảm bảo cho tuổi hưu an nhàn.

Tốc độ phát triển chậm

Năm 2021, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao thứ năm trong khu vực Đông Nam Á, đạt 73,6 tuổi (nam 71,1 tuổi, nữ 76,4 tuổi).

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, từ năm 2026, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số già, số người từ 65 tuổi trở lên đạt 10,2% dân số và vượt ngưỡng 15% vào năm 2039.

Theo Hội Lão khoa Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) hiện chiếm khoảng 12% dân số, dự báo con số này sẽ tăng lên 17% vào năm 2030 và đến năm 2050 đạt 25%.

Các dự báo về tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam sẽ tạo ra sức ép lên Quỹ bảo hiểm xã hội khi cần phải chi trả lương hưu và phúc lợi xã hội cho số lượng lớn người ở tuổi hưu. Do vậy, việc hình thành hệ thống hưu trí đa tầng, nhằm đối phó tích cực và hiệu quả hơn với xu hướng già hóa dân số được các cơ quan quản lý chú trọng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng như bổ sung tính đến thời điểm hiện tại rất chậm.

Hiện nay, hệ thống bảo hiểm hưu trí được xây dựng theo hệ thống đa tầng, bao gồm bảo hiểm xã hội cơ bản do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện, các chương trình bảo hiểm hưu trí bổ sung do các công ty quản lý quỹ và công ty bảo hiểm triển khai.

Hiện có 6/18 công ty bảo hiểm nhân thọ được cấp phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện là Prudential, Manulife, AIA, Dai-ichi, Sunlife và Bảo Việt Nhân thọ.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tính đến tháng 6/2022 là 64,8 tỷ đồng. Đối với các sản phẩm bảo hiểm hưu trí được triển khai theo quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, hiện có 6/18 công ty bảo hiểm nhân thọ được cấp phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện là Prudential, Manulife, AIA, Dai-ichi, Sunlife và Bảo Việt Nhân thọ.

Tổng tài sản của quỹ bảo hiểm hưu trí năm 2021 đạt 4.681 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng bảo hiểm hưu trí có hiệu lực trong năm 2021 là 43.059 hợp đồng, với doanh thu phí đạt 461 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm hưu trí là 162 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu khiến loại hình hưu trí bổ sung và tự nguyện có tốc độ phát triển chậm là do người dân có thói quen tự tiết kiệm và tích lũy để chi trả cho các nhu cầu thiết yếu khi hết độ tuổi lao động.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế đối với các khoản đóng góp mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí thấp hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân chỉ 1 triệu đồng/người/tháng đối với khoản tiền mua bảo hiểm hưu trí và mức khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 3 triệu đồng/người/tháng đối với khoản tiền mua bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm hưu trí.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân, chính phủ nước này có các chương trình ưu đãi thuế bằng 13,2% đối với chương trình tiết kiệm hưu trí cá nhân và 15,4% đối với chương trình bảo hiểm hưu trí cá nhân.

Năm 2021, chương trình tiết kiệm hưu trí cá nhân tại Hàn Quốc tăng 5%, sự gia tăng diễn ra khi những người trẻ tuổi ngày càng mở nhiều tài khoản cho các sản phẩm hưu trí. Số lượng đăng ký các sản phẩm hưu trí của những người ở độ tuổi 20 tăng 70% và những người ở độ tuổi 30 tăng 21,9%.

Một nguyên nhân nữa khiến bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam chưa thực sự được người dân quan tâm là việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm thiếu linh hoạt, quyền lợi không hấp dẫn so với những sản phẩm bảo hiểm thông thường khác...

Cần tiết kiệm cho tuổi hưu an nhàn

Hiện nay, hình thức tạo lập quỹ hưu trí phổ biến nhất là tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng tỷ lệ tham gia của người lao động còn thấp.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 16,8 triệu người (tăng hơn 4,2% so với cùng kỳ năm 2021), chiếm 33,26% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm tự nguyện đạt gần 13,8 triệu người (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021), chiếm 27,3% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế trên 86,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,66% dân số.

Trong khi đó, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, người lao động cần mức thu nhập hưu trí bằng 70-75% mức thu nhập bình quân 5 năm gần nhất trước khi nghỉ hưu để tận hưởng tuổi hưu an nhàn.

Theo Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ, nhu cầu bảo vệ chưa được đáp ứng thường bao gồm nhu cầu bảo hiểm nhân thọ, nhu cầu bảo hiểm sức khỏe và nhu cầu bảo vệ hưu trí chưa được đáp ứng.

Nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng của Việt Nam năm 2021 ước tính lên tới 1.770 tỷ USD. Nhu cầu bảo vệ hưu trí chưa được đáp ứng có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, thậm chí hàng nghìn tỷ USD trong bối cảnh chế độ hưu trí của nhà nước còn hạn chế và tỷ lệ thâm nhập của lương hưu tư nhân còn thấp. Chỉ một bộ phận nhỏ những người ở độ tuổi 60-80 là được nhận lương hưu nhà nước.

Một thống kê của hãng bảo hiểm Manulife cho biết, mỗi người dân cần tiết kiệm ít nhất 5 tỷ đồng ở tuổi 65 để đảm bảo cho tuổi hưu an nhàn (số tiền này cần được tính toán và tích lũy trong vài chục năm).

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Manulife Investment (Việt Nam) cho rằng, có 2 yếu tố giúp người lao động tham gia quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện hiệu quả.

Thứ nhất, tham gia sớm (thời gian tham gia dài), bởi việc đầu tư sẽ trở nên hiệu quả trong một khoản thời gian dài. Người lao động thường bỏ qua việc tích lũy các số tiền nhỏ, nhưng nếu tích lũy đều đặn số tiền nhỏ trong một thời gian dài sẽ đem lại hiệu quả cho thời gian hưu trí.

Ví dụ, mỗi tháng, người lao động tích lũy 1 triệu đồng, liên tục trong 30 năm đi làm và chọn một quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có mức sinh lời kỳ vọng bình quân 8%/năm, thì người lao động đó có khả năng có một quỹ hưu trí trị giá xấp xỉ 1,5 tỷ đồng.

Thứ hai, tham gia đều đặn và kỷ luật. Người lao động chia nhỏ kế hoạch tài chính theo từng năm thì mức đóng góp sẽ phù hợp với hoàn cảnh tài chính của bản thân hơn. Mức đóng hàng năm phù hợp sẽ giúp cho người lao động có khả năng tham gia đều và lâu dài, nâng cao hiệu quả của quỹ hưu trí tự nguyện.

Thực tế, những dự báo về tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam và một số hạn chế trong hệ thống hưu trí hiện nay như tỷ lệ tham gia thấp, đóng góp từ bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa đáng kể… đặt ra yêu cầu cải cách hệ thống hưu trí theo hướng bền vững và cân đối trong dài hạn.

Với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, khách hàng hiện chỉ được lấy tiền ra khi đáo hạn hay đến tuổi về hưu, nhưng theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), người được bảo hiểm được quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cho rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí trong các trường hợp: người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên; người được bảo hiểm mắc bệnh hiểm nghèo; người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài; người được bảo hiểm được rút trước tài khoản hưu trí để thanh toán các khoản tín dụng (trừ các khoản tín dụng vay tiêu dùng) của cá nhân tại ngân hàng, với điều kiện hợp đồng tín dụng phải có hiệu lực ít nhất 24 tháng trước khi được rút tài khoản hưu trí...

Các doanh nghiệp bảo hiểm tin tưởng rằng, các quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, trong đó có bảo hiểm hưu trí tự nguyện, sẽ giúp hệ thống hưu trí ở Việt Nam phát triển, hỗ trợ cải thiện chế độ hưu trí mà không gây ảnh hưởng đến tài chính công.

Tin bài liên quan