Nhiều người trong độ tuổi trung niên chưa thể lên kế hoạch độc lập khi về già, nguyên nhân chủ yếu do tài chính hạn hẹp.

Nhiều người trong độ tuổi trung niên chưa thể lên kế hoạch độc lập khi về già, nguyên nhân chủ yếu do tài chính hạn hẹp.

Khoảng trống an sinh hưu trí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, thế nhưng an sinh hưu trí - điểm tựa quan trọng khi về già, hiện vẫn là khoảng trống lớn.

Mức độ chuẩn bị cho cuộc sống hưu trí chỉ trên trung bình

Theo kết quả khảo sát “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” mới được Viện Khoa học lao động và xã hội, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học và Prudential cùng phối hợp thực hiện, ngoài lý do chính là chưa đủ tài chính, thì việc chưa biết nhiều và không tin tưởng là 2 nguyên nhân khác khiến phần lớn người tham gia khảo sát không quan tâm tới bảo hiểm xã hội tự nguyện hay các loại hình bảo hiểm nhân thọ.

Nghiên cứu được thực hiện trên 2.019 người có độ tuổi từ 30-44, tại 6 tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế đại diện phạm vi quốc gia trong tháng 9 và 10/2021. Đánh giá về triển vọng cuộc sống hưu trí và cuộc sống khi về già, PGS-TS. Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, mức độ tự tin về chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già theo cả độ tuổi, giới tính và khu vực còn chưa cao, đặc biệt về mặt tài chính (điểm trung bình chỉ đạt trên 5 theo thang đo từ 0-10).

Cũng theo khảo sát, một tỷ lệ lớn người tham gia có mong muốn độc lập khi về già, nhưng số người lên kế hoạch để đạt được mong muốn này lại chưa cao, chỉ ở mức 28,4%.

Nguồn thu nhập dự kiến có phổ biến nhất để chuẩn bị cho cuộc sống hưu trí vẫn chủ yếu đến từ công việc (gần 60%). Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp và kỳ vọng về thu nhập có thể đủ sống từ hưu trí còn chưa cao, tỷ lệ dự kiến có nguồn thu nhập từ lương hưu chỉ ở mức 32,43%. Gần 5% người tham gia khảo sát nói rằng “không biết, hoặc sẽ không có nguồn thu nhập nào khi về già”, điều này thể hiện sự bấp bênh về nguồn thu nhập khi về già nếu không có sự chuẩn bị tốt từ khi còn trẻ.

Tương tự, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Gần 84% người tham gia khảo sát có thẻ bảo hiểm y tế, phổ biến nhất là bảo hiểm y tế bắt buộc (55,5%), trong khi bảo hiểm y tế tư nhân (như bảo hiểm nhân thọ) chỉ chiếm 6%. Tỷ lệ có thẻ bảo hiểm y tế tư nhân ở khu vực thành thị cao hơn gấp đôi so với khu vực nông thôn (9,4% so với 3,8%).

Chỉ có 37,42% đối tượng nghiên cứu đang tham gia bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở khu vực nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị, trong đó có 21,54% đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, khu vực thành thị có tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ cao gần 3 lần khu vực nông thôn.

Nếu lý do phổ biến không tham gia bảo hiểm xã hội của các đối tượng tham gia nghiên cứu là “không đủ khả năng đóng góp, không biết về bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, không quan tâm đến bảo hiểm xã hội hoặc vì làm tự do nên không tham gia”, thì những người chưa tham gia loại hình bảo hiểm nhân thọ cho biết rằng, nguyên nhân chính là tài chính chưa đủ, chưa quan tâm hoặc không tin tưởng.

Theo PGS-TS. Giang Thanh Long, ngoài lý do chủ quan là không đủ khả năng tài chính để tham gia các loại hình bảo hiểm tự nguyện, cũng cần xem lại công tác tuyên truyền và việc thiết kế các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện đã đủ hấp dẫn người lao động hay chưa.

“Với người lao động, an sinh sát sườn là tai nạn lao động, trợ cấp sinh sản, thất nghiệp và sinh kế, trong khi các sản phẩm bảo hiểm hưu trí và tử tuất phải đóng 20 năm mới được hưởng… thì rất khó có thể hấp dẫn họ”, ông Long nhấn mạnh.

Tăng quyền lợi sẽ tăng sức hấp dẫn

Cũng giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” đồng thời với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 11,62 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 12% tổng dân số cả nước. Theo dự báo, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già của Việt Nam diễn ra trong khoảng 26 năm (2011-2036) và tính đến nay đã được 10 năm, tức là chỉ còn 16 năm nữa - một khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các nước phát triển, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, vấn đề già hóa đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam. Tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng; các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. Điều này có thể dẫn đến gánh nặng “chưa giàu đã già” nếu như chúng ta không có các biện pháp thích ứng kịp thời và hiệu quả đối với vấn đề già hóa dân số.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho rằng, già hóa dân số nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức, mà sẽ trở thành cơ hội cho xã hội. Prudential mong muốn đặt nền móng xây dựng một cộng đồng có hiểu biết và bắt đầu có những hành động cụ thể để chuẩn bị cho một cuộc sống tuổi già độc lập, năng động. Đây là một trong những dự án dài hạn của Prudential, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, khẳng định cho cam kết “hành động vì một cộng đồng người Việt khỏe mạnh và thịnh vượng”.

Cùng với các đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cần linh hoạt hơn, tăng quyền lợi và liên kết với các khoản trợ cấp xã hội khác để thu hút người dân tham gia, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã có kiến nghị tới Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm xã hội đi kèm phát triển các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, với những cơ chế linh hoạt cho phép người lao động được vay từ quỹ bảo hiểm hưu trí khi gặp khó khăn về tài chính - điều không thể thực hiện với quỹ bảo hiểm xã hội.

Đây là đề xuất có tính đột phá, cũng là giải pháp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động rộ lên thời gian gần đây, không chỉ mở ra cơ hội cho các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mà còn là tiền đề thúc đẩy phát triển các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện là câu chuyện nóng, nhưng vì “độ mở” quy định thiết kế các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng như quyền lợi không hấp dẫn hơn các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường nên sản phẩm này nhanh chóng rơi vào nguội lạnh. Một số công ty bảo hiểm lớn trên thị trường như Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, AIA, Bảo Việt, Sun Life… đều đã có sẵn sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhưng để thúc đẩy tăng trưởng thì doanh nghiệp vẫn đang chờ cơ chế, chính sách linh hoạt hơn.

“Nếu muốn thu hút người dân tham gia, các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cần linh hoạt hơn, tăng quyền lợi cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mua cho nhân viên, mức miễn trừ thuế cũng phải hấp dẫn hơn, nếu không sẽ rất khó bán”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận.

Tin bài liên quan