Bảo hiểm nhân thọ có nhiều thiết kế hướng tới nhiều mục tiêu tài chính khác nhau. Ảnh: Lê Toàn

Bảo hiểm nhân thọ có nhiều thiết kế hướng tới nhiều mục tiêu tài chính khác nhau. Ảnh: Lê Toàn

Bảo hiểm nhân thọ và văn hóa tài chính gia đình Việt

(ĐTCK) Quản lý tài chính ở các gia đình Việt Nam có nhiều điểm khác biệt so với các nước và ngành bảo hiểm nhân thọ đang tìm cách đưa ra những sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng này.

Ngoài đáp ứng nhu cầu của người dân trong bảo vệ trước các rủi ro, sự cố được bảo hiểm thì sản phẩm bảo hiểm nhân thọ muốn tồn tại, phát triển phải mang tính cạnh tranh nổi trội so với các sản phẩm tài chính tương tự khác trên thị trường như tiền gửi tiết kiệm, đầu tư sinh lời trên thị trường. 

Ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với rủi ro

Bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích bảo vệ cho người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm trước rủi ro về sức khỏe (do thiên tai, tai nạn, đau ốm, bệnh tật, tử vong) và tích lũy tiết kiệm để chắc chắn có nguồn tài chính như mong muốn thực hiện những công việc hoặc nghĩa vụ phải làm khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm hoặc sau khi họ không may bị tử vong.

Vì vậy, sản phẩm bảo hiểm có thể mang một hoặc nhiều mục đích: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tử vong, bảo hiểm tai nạn, tiết kiệm dài hạn, đầu tư sinh lời.

Ngân hàng và tổ chức tín dụng là những định chế kinh doanh tiền tệ, có nghĩa là đi vay của các tổ chức, cá nhân có tiền tạm thời nhàn rỗi để cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu về vốn vay để sản xuất - kinh doanh hoặc tiêu dùng cá nhân.

Mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng đều bị khống chế mức dư nợ cho vay/vốn chủ sở hữu (≤ 12 lần) và tỷ lệ cho vay trung dài hạn bằng đúng khe hở kỳ hạn (vì ngân hàng huy động vốn tiền gửi thường là ngắn hạn dưới 1 năm), Việt Nam đang quy định tỷ lệ này là 40%.

Mặt khác, giá cho một khoản vay (lãi suất) còn tùy thuộc vào nhu cầu vốn và khả năng sử dụng vốn vay để sinh lời của các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh làm ăn đứng đắn, hiệu quả không bao giờ chấp nhận lãi suất cao vì họ có thể huy động được vốn từ thị trường chứng khoán (phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu) trả lãi bằng cổ tức hấp dẫn.

Ngược lại, những cơ sở sản xuất - kinh doanh chấp nhận lãi suất cao tiềm ẩn rủi ro tín dụng không thu hồi được gốc và lãi vay.

Vì vậy, ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với rủi ro tín dụng và rủi ro huy động vốn (huy động nhiều mà cho vay được ít, trong đó lãi suất huy động vẫn phải trả).

Bảo hiểm nhân thọ, dù là sản phẩm đầu tư thì tính chất bảo hiểm cho rủi ro vẫn là chủ đạo 

Mua bảo hiểm nhân thọ thì sao?

Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tiết kiệm dài hạn nên ngoài việc phải bảo toàn vốn còn phải có lãi suất (bảo tức) hợp lý trong suốt thời gian dài của hợp đồng bảo hiểm kết hợp với phòng ngừa rủi ro cho người tham gia bảo hiểm.

Thích hợp với điều kiện trên, bảo hiểm nhân thọ có sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm cả khi người được bảo hiểm sống đến hạn tuổi nhất định (bảo hiểm sinh kỳ - sống đến hết hạn hợp đồng bảo hiểm) hoặc bị tử vong trong thời hạn nhất định (bảo hiểm tử kỳ - tử vong trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm) và có chi trả bảo tức.

Mục tiêu của sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp hướng vào những khách hàng cần có một số tiền nhất định để thực hiện các công việc trong tương lai với khoảng thời gian xác định trước, dù người tham gia bảo hiểm chẳng may bị tử vong thì số tiền đó vẫn được đảm bảo chi trả, bao gồm:

- Cho con đủ chi phí chi trả trong quá trình học tập (từ học phí đến tiền ăn, phòng trọ…) cấp 2, cấp 3, đại học, trường nghề, du học nước ngoài…

Với truyền thống hiếu học, cha mẹ hết lòng chăm lo cho con cái, sản phẩm này đang hấp dẫn với người Việt Nam, nhất là khi học phí ngày càng tăng, các trường đang thực hiện chủ trương tự chủ tài chính (học phí là nguồn để trang trải chi phí của trường) và xã hội hóa giáo dục (cổ phần hóa các trường học).

Dựng vợ gả chồng cho con, tặng của hồi môn (nhà lầu, xe hơi) khi con cái xây dựng gia đình tách ra ở riêng. Đây là mong muốn của gia đình có thu nhập thuộc tầng lớp trung lưu trở lên.

- Có một số vốn để sửa chữa nhà cửa, xây nhà mới cho to đẹp, đàng hoàng hơn, thậm chí có một số người còn lo có tiền đủ để xây sinh phần cho cha mẹ hoặc cho chính mình không thua kém bè bạn, làng xóm.

- Có một số vốn cho mình hoặc cho con cái tập kinh doanh, lập nghề nghiệp mới ổn định cuộc sống.

- Nếu không may người được bảo hiểm bị tử vong thì đã được chi trả tiền bảo hiểm để trang trải nợ của gia đình (vay bạn bè, người thân để mua nhà, mua xe…), trang trải chi phí sinh hoạt gia đình hoặc có vốn làm thêm, kinh doanh thêm một nghề hoặc công việc nào đó khi có một nguồn thu nhập của người bị tử vong không còn nữa…

Từ những nhu cầu trên, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thiết kế rất nhiều sản phẩm bảo hiểm khác nhau với số tiền bảo hiểm khác nhau và kỳ hạn thu phí khác nhau hướng vào các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau (thu nhập cao, trung lưu, bình dân, nghèo), theo từng vùng miền.

Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp thường có cam kết trả lãi hoặc thưởng. Thời gian đã đóng phí bảo hiểm càng dài thì lãi đầu tư từ phí bảo hiểm đã đóng càng lớn. Vì vậy, những khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn thường bị thiệt thòi khi nhận được số tiền chi trả thấp (những năm còn lại của hợp đồng bảo hiểm nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm sẽ thu được nhiều bảo tức hơn).

Đồng thời hợp đồng bảo hiểm càng dài hạn càng có thời gian đủ lớn để cho các rủi ro ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thương tích xuất hiện, từ đó thấy được ý nghĩa, tác dụng của bảo hiểm (khi có rủi ro, tai nạn).

Những lưu ý của doanh nghiệp bảo hiểm khi bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp

Tuy nhiên triển khai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp, doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý:

Thuyết phục khách hàng khi bảo tức thấp hơn lãi suất tiết kiệm vì phần chênh lệch này trang trải cho chi phí khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra với người được bảo hiểm (ốm đau, bệnh tật, tai nạn). Hiệu lực của bảo tức cam kết có giá trị dài hạn tương đương với thời hạn hợp đồng bảo hiểm trong khi lãi suất của ngân hàng có xu hướng biến động giảm trong thời gian trên.

Ngoài ra,  nếu đầu tư có lãi cao hơn, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải chia bảo tức tăng thêm cho người tham gia bảo hiểm khi thực hiện quy định của Nhà nước: chia ít nhất 70% lãi đầu tư cho người tham gia bảo hiểm.

Ngược lại, nếu lãi suất ngân hàng giảm, lãi đầu tư giảm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả bảo tức đã cam kết. Lợi ích hơn hẳn của bảo hiểm là nếu không từ bỏ hợp đồng bảo hiểm trước hạn, người được bảo hiểm chắc chắn được hưởng đủ số tiền bảo hiểm đã cam kết kể cả khi rủi ro xuất hiện.

- Tìm cách thuyết phục và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng khi họ không đủ khả năng tài chính (tạm thời) để đóng phí bảo hiểm, sự thiệt thòi khi khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn.

- Kiểm soát được rủi ro bảo hiểm trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, khôi phục hợp đồng bảo hiểm hoặc trong quá trình xem xét hồ sơ thanh toán chi trả tiền bảo hiểm.

- Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tách quỹ chủ sở hữu với quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm, tỷ lệ chia lãi đầu tư từ quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm tối thiểu 70% cho chủ hợp đồng bảo hiểm.

- Thận trọng đưa ra cam kết về bảo tức (tùy thời hạn hợp đồng bảo hiểm) vì nó có giá trị trong vòng 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc nhiều hơn nữa, sau đó khi nền kinh tế xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ có nhiều biến động khác (nếu có).

Tin bài liên quan