Bảo hiểm phi nhân thọ, khối ngoại “so găng”

Bảo hiểm phi nhân thọ, khối ngoại “so găng”

(ĐTCK) Chỉ chiếm khoảng 11% thị phần tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (PNT) Việt Nam, các DN bảo hiểm nước ngoài sau nhiều năm có mặt tại tại đây vẫn đang phải hết sức nỗ lực tìm kiếm cơ hội trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Bảo hiểm phi nhân thọ, khối ngoại “so găng” ảnh 1Hiện Liberty đứng thứ 2 về thị phần trong số các DN bảo hiểm PNT ngoại

 

Nếu như đối với mảng bảo hiểm nhân thọ, các DN bảo hiểm ngoại đang chiếm ưu thế về thị phần thì tại khối PNT, tương quan thị phần này ngược lại. Báo hết hết quý III/2012 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 5 DN bảo hiểm PNT trong nước đang chiếm tới 71,37% thị phần, chưa đầy 30% thị phần còn lại chia cho hơn 20 công ty bảo hiểm PNT còn lại (trong đó DN bảo hiểm PNT nước ngoài là 12 công ty, chiếm khoảng 11%).

Về cơ bản, DN bảo hiểm PNT nước ngoài có 2 lợi thế nổi bật so với trong nước là công nghệ và dịch vụ. Với thế mạnh về vốn, các công ty bảo hiểm PNT này ngay từ khi vào thị trường đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ. Việc ứng dụng dụng các công nghệ hiện đại giúp các công ty này đưa ra quy trình quản lý bằng hệ thống một cách khoa học, tối ưu hóa chi phí quản lý, rút ngắn quy trình bán bảo hiểm cũng như bồi trường cho khách hàng… Ngoài ra, với thế mạnh về kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm, các công ty bảo hiểm PNT nước ngoài khi xâm nhập thị trường Việt Nam đều mang đến sự khác biệt về dịch vụ. Một lợi thế khác là phân đoạn thị trường khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài….

Tuy nhiên, điểm yếu trong cạnh tranh (riêng góc độ thị trường) của các DN này là mạng lưới phục vụ khách hàng cá nhân chưa bao phủ, đối với khách hàng tổ chức thì cũng không có “quan hệ” rộng. Cũng còn có một số lý do khác nữa nhưng 2 điểm yếu trên  ảnh hưởng mạnh nhất đến việc cạnh tranh của các DN bảo hiểm PNT nước ngoài.

“Không dễ để thay đổi cục diện thị phần này trong thời gian ngắn, trừ khi công ty có vốn đầu tư nước ngoài chấp nhận chi phí cực cao để chiếm lĩnh thị trường trước (mua doanh số, mua kênh phân phối)”, đại diện một DN bảo hiểm PNT Đài Loan chia sẻ và nói thêm, các DN bảo hiểm PNT nước ngoài kỳ vọng vào phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam - tầm nhìn phải trên 10 năm, chứ không thể cạnh tranh theo kiểu “đánh nhanh thắng nhanh”.

Các DN bảo hiểm PNT nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam đều xác định chiến lược lâu dài với những phân khúc khách hàng riêng biệt và có thể lỗ kỹ thuật 5 - 7 năm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, đã có khá nhiều công ty bảo hiểm PNT ngoại sắp hết thời hạn được lỗ kỹ thuật. Chính vì thế, cạnh tranh để tồn tại là chiến lược sống còn. Các DN bảo hiểm ngoại khối này tới đây sẽ không chỉ phải cạnh tranh với DN bảo hiểm trong nước, mà còn phải cạnh tranh cả với những DN bảo hiểm có những thế mạnh như mình. Bởi mở rộng thị trường và khách hàng Việt Nam là chiến lược của tất cả các công ty bảo hiểm ngoại hiện nay.

Mới đây, Bảo hiểm Chartis Việt Nam đã quyết định trở lại tên cũ là Bảo hiểm AIG Việt Nam . Hoạt động này nằm trong tiến trình đưa thương hiệu AIG trở lại đang diễn ra trên toàn cầu. Cùng với việc trở lại tên cũ thì tham vọng tiến sâu hơn vào thị trường bảo hiểm PNT vốn đã “đất chật người đông” của đơn vị này cũng khiến các DN bảo hiểm khác không thể không cẩn trọng.

Theo thống kê của AVI, tính đến 30/9/2012, thị phần phí bảo hiểm gốc của AIG (Chartis) là 1,21%, còn thị phần phí bảo hiểm thuần là 0,93%. Nếu xét về thứ hạng, trong số các công ty nước ngoài thì AIG đứng thứ 4, sau Samsung Vina (3,09%), Liberty (1,98%) và Bảo Việt Tokio Marine (1,26%). Dù thị phần của AIG chưa có gì khiến đối thủ phải sợ, tuy nhiên trong mảng bảo hiểm cá nhân (bảo hiểm du lịch và tai nạn sức khỏe) hay mảng bảo hiểm DN (bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm D&O), AIG cũng đã đạt được thành công nhất định.

Ông Anthony Lee, Tổng giám đốc Bảo hiểm AIG Việt Nam cho biết, Công ty sẽ tiếp tục cung cấp cho khách hàng các dịch vụ, sản phẩm dẫn đầu thị trường. “Chiến lược của chúng tôi là đa sản phẩm, chúng tôi sẽ không tập trung vào lĩnh vực nào và cũng không đi theo hướng mũi nhọn mà sẽ phát triển nhiều sản phẩm khác nhau”, ông Anthony Lee nói.

Chưa thể khẳng định nhân tố AIG sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường sau việc công ty này trở về tên cũ. Nhưng những bước tiến mới mạnh mẽ của nhân tố này thời gian gần đây cũng đang gây sự chú ý cho các DN ngoại cùng ngành, dù cho ông Leslie J. Mouat, Chủ tịch AIG khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) nói rằng, AIG không quan tâm đến việc trở thành công ty lớn nhất, mà chỉ quan tâm trở thành công ty tốt nhất…