Ông Phùng Đắc Lộc - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, thời gian qua, nhiều tổng đại lý gặp không ít khó khăn trong tuyển dụng đại lý bảo hiểm nhân thọ thuộc thế hệ gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012).
“Với đặc tính chung là năng động, ưa dịch chuyển, lực lượng lao động trẻ này thường có xu hướng dễ nhảy việc, chứ không cố định một công việc trong thời gian dài. Như vậy, rất khó để trở thành một đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, một công việc vốn đòi hỏi sự gắn bó lâu dài”, ông Lộc nói.
Thực tế, không chỉ với những người trẻ, ngay cả những đại lý bảo hiểm nhân thọ ở độ tuổi cao hơn cũng có không ít người không muốn gắn bó lâu dài, mà chỉ coi đây là một công việc “part time”. Trong khi đó, thế hệ gen Z với đa số có điều kiện sống tốt hơn, được học hành đầy đủ hơn, cơ hội về nghề nghiệp rộng mở hơn, nên dễ hiểu khi họ không muốn bị “ghim” với một công việc, ở một tổ chức, doanh nghiệp nào đó quá lâu, bất chấp môi trường việc làm ngày một cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Theo các chuyên gia nhân sự, sự khác biệt cơ bản giữa thế hệ trước với thế hệ gen Z là những người trẻ thường quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu cá nhân, thích làm những công việc tự do, sáng tạo, hơn là có phần “gò bó” như bảo hiểm.
Ông Đặng Đình Chính - Giám đốc Công ty Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam cho rằng, thế hệ gen Z khi gia nhập “sân chơi” bảo hiểm sẽ là lực lượng giúp chuyển đổi chất lượng đại lý hữu hiệu, thế nhưng vì nhiều lý do mà công việc này lại chưa hấp dẫn giới trẻ.
Theo ông Chính, hiện tại, ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn phổ biến mô hình bán hàng truyền thống (chạy KPI, gọi điện thoại, thuyết phục khách hàng...), trong khi những người trẻ thường có xu hướng ngại những công việc thiếu “chất gen Z” như ít sáng tạo, khó chủ động, áp lực doanh số cao…, mà bảo hiểm là một trong số này.
Lãnh đạo nhiều công ty bảo hiểm cho biết, sau giai đoạn khó khăn vừa qua, số lượng đại lý bảo hiểm nhân thọ đã giảm nhanh chóng, song các công ty bảo hiểm vẫn đang trong quá trình thanh lọc đội ngũ, buộc người bám trụ lại phải nâng cao cả về kiến thức, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Trong bối cảnh khó tuyển dụng đại lý bảo hiểm trẻ, nhưng lại có lượng lớn nhân sự thuộc diện tinh giản ở các ngành nghề, lĩnh vực khác, ông Phùng Đắc Lộc gợi ý rằng, có thể tuyển dụng lực lượng này vào làm bảo hiểm nhân thọ.
“Không phân biệt tuổi tác, miễn là họ có khả năng giao tiếp, có trình độ, có mối quan hệ xã hội, hứa hẹn có thể trở thành đại lý bảo hiểm chất lượng”, ông Lộc nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng, một trong những yếu tố cần thiết giúp giữ chân người lao động nói chung và đại lý bảo hiểm nhân thọ nói riêng là phải có chế độ đãi ngộ phù hợp. Ngoài thưởng (theo doanh thu hay theo hợp đồng) cho đại lý mới, thì cần có chế độ thưởng tương xứng cho đại lý theo thâm niên để giữ chân họ.
Quan điểm trên nhận được ý kiến tán đồng của nhiều đại lý bảo hiểm nhân thọ để tránh việc lượng lớn đại lý bảo hiểm có trình độ từng tâm huyết, gắn bó với nghề tiếp tục rơi rụng.
Ở góc độ khác, ông Trần Nguyên Đán - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ bây giờ thực sự cần đến những người quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp, chấp nhận học hành kỹ lưỡng, bài bản để có thể cung cấp một giải pháp quản trị rủi ro thực sự cho khách hàng.
Theo ông Đán, người đại lý bảo hiểm phải thực sự trở thành người tư vấn chuyên nghiệp, thay vì chỉ là một người bán bảo hiểm đơn thuần. Thực tế cho thấy, những đại lý bảo hiểm làm nghề một cách tử tế đã có cơ hội được cạnh tranh một cách sòng phẳng hơn.
“Về phía nhà bảo hiểm nhân thọ, họ không còn cơ hội cạnh tranh nhau bằng lợi thế của sản phẩm khi tích hợp nhiều quyền lợi, mà chỉ có thể giữ chân khách hàng thông qua cách chăm sóc, chất lượng tư vấn tử tế. Đây cũng là lúc thanh lọc cả các doanh nghiệp bảo hiểm và các lãnh đạo doanh nghiệp yếu kém”, ông Đán nói.