Bảo hiểm vào cuộc đua tăng vốn, nâng hạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng vốn tức là tăng năng lực tài chính, cải thiện hiệu quả kinh doanh, từ đó gia tăng thị phần và cũng là cơ sở quan trọng để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Năm 2022, cuộc đua này bắt đầu nóng!
Cuộc đua gia tăng thị phần ở nhóm doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu luôn nóng. Ảnh: Dũng Minh

Cuộc đua gia tăng thị phần ở nhóm doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu luôn nóng. Ảnh: Dũng Minh

Tăng vốn để tăng năng lực tài chính…

Hội đồng quản trị Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 từ mức 1.430 tỷ đồng lên hơn 1.930 tỷ đồng (tức tăng thêm 500 tỷ đồng) thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ, nhân viên.

Theo đại diện MIC, việc bổ sung vốn giúp nhà bảo hiểm này tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng, nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, từ đó cải thiện lợi nhuận, đồng thời tăng năng lực tài chính, tạo tiền đề để nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Đây là những điều kiện hỗ trợ MIC đáp ứng được các điều kiện tham gia, cũng như tăng khả năng trúng thầu các dự án lớn, dự án trọng điểm đòi hỏi quy mô vốn lớn. Được biết, trên thị trường, MIC hiện đứng thứ 5 về doanh thu phí bảo hiểm, nhưng quy mô vốn chủ sở hữu chỉ đứng thứ 7.

Ngoài ra, MIC đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, đòi hỏi bổ sung nguồn vốn đầu tư cho nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, các dự án công nghệ, dự án chuyển đổi số theo các sáng kiến chiến lược giai đoạn 2021-2026.

“Với số tiền 500 tỷ đồng dự kiến thu về từ các đợt phát hành cổ phiếu, MIC sẽ dùng hơn 100 tỷ đồng phục vụ mục đích tăng năng lực, giải pháp triển khai chiến lược kinh doanh (bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư tài sản khác và triển khai các sáng kiến chiến lược…), phần còn lại được dùng để đầu tư tài chính (bao gồm đầu tư chứng khoán, tiền gửi phù hợp với quy định pháp luật và quy định của MIC)”, đại diện MIC chia sẻ thêm.

Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), trong tài liệu Đại hội cổ đông công bố mới đây, Hội đồng quản trị PTI trình phương án không chia cổ tức năm 2022 để thực hiện kế hoạch tăng vốn. Mức vốn điều lệ hiện tại của hãng bảo hiểm này chỉ hơn 800 tỷ đồng.

Được biết, năm 2021, cổ đông PTI đã thông qua phương án chia cổ tức 10%, nhưng tại tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, Hội đồng quản trị PTI đề xuất không chia cổ tức năm 2021 để dành nguồn lực tăng vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối năm 2021 tính đến cuối năm 2021 là 421,4 tỷ đồng, kế hoạch thực hiện năm 2022 là 604,88 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị PTI còn trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ lên hơn 964 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2022.

Với Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Đại hội cổ đông thường niên 2022 đã thông qua tờ trình sửa đổi bổ sung Điều lệ sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn. Như vậy, vốn điều lệ của PJICO sau khi tăng sẽ là hơn 1.108 tỷ đồng với các cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD (SFMI) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Lãnh đạo PJICO cho biết, trong năm 2022, nhà bảo hiểm này sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động số hóa, trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và trong khối các công ty chuyên doanh của Petrolimex với mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên một nền tảng mới.

… và tham vọng nâng hạng thị phần

Với kế hoạch tăng vốn mới, MIC sẽ gia nhập nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Năm 2021, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 3.932 tỷ đồng, tăng 24,6% so với thực hiện năm 2020 và gấp 6 lần mức tăng trưởng chung toàn thị trường.

MIC đã gia tăng khoảng cách về doanh thu với các doanh nghiệp đứng sau và vượt PJICO để đứng vào tốp 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần doanh thu lớn nhất gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, PTI, Bảo hiểm Bảo Minh và MIC.

Mục tiêu năm 2022 của MIC là đẩy mạnh triển khai các sáng kiến chiến lược, hoàn thiện các nền tảng kinh doanh số…, từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu vươn lên vị trí thứ 4 về thị phần và xa hơn, tới năm 2026 sẽ nằm trong tốp 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần và dẫn đầu về trải nghiệm số của ngành bảo hiểm.

Từng bước lấy lại vị trí thứ 3 thị phần cũng là nội dung được Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đề cập tới trong định hướng phát triển đến năm 2025. Trong giai đoạn 2016-2017, Bảo Minh vẫn giữ vị trí thứ 3 về thị phần, sau Bảo Việt và Bảo hiểm PVI, trước khi bị tụt hạng sau đó.

Năm 2018, Bảo Minh đứng thứ 4 thị trường với thị phần giảm về mức 7,56% và nhường chỗ cho PTI. Cùng với tham vọng lấy lại thị phần đã mất, Bảo Minh cũng xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2025 từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đứng sau không ngừng “phả hơi nóng”, PTI cũng đang cho thấy nỗ lực bứt tốc, mà một trong những kế hoạch quan trọng là không chia cổ tức trong 2 năm 2021 và 2022 để dành nguồn lực tăng vốn, tăng năng lực tài chính.

Theo đó, PTI định hướng từ nay đến năm 2025, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân đạt 12%/năm, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 11.000 tỷ đồng, qua đó nâng thị phần lên 12%, đứng thứ 2 thị trường. Kế hoạch doanh thu năm 2022 của PTI là hơn 6.300 tỷ đồng. Hiện nay, PTI đang đứng thứ 3 về quy mô doanh thu, nhưng chỉ xếp thứ 9 về vốn điều lệ trong số 10 doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô vốn lớn nhất.

Tại Bảo hiểm BIDV (BIC), với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2021 đạt 13,4% (tương đương 2.716 tỷ đồng), cao gấp 3 lần mức tăng trưởng chung toàn thị trường, nhà bảo hiểm này cũng không giấu diếm tham vọng nâng hạng của mình. Tính đến cuối năm 2021, BIC chiếm 4,7% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, đứng thứ 7 trên thị trường (mức thị phần năm 2020 là 4,3%), trong khi các doanh nghiệp đứng sau như BSH, VBI, ABIC… đều đang ra sức bám đuổi.

Ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIC cho biết, BIC phấn đấu lọt vào tốp 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần, tiếp tục đứng trong tốp 3 nhà bảo hiểm dẫn đầu về tỷ suất sinh lời vào năm 2025.

Tin bài liên quan