Thị trường nhân thọ Việt đón thêm 23.501 tỷ đồng vốn trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường nhân thọ Việt đón thêm 23.501 tỷ đồng vốn trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm nhân thọ tăng vốn sớm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 23.501 tỷ đồng là số vốn tăng thêm của các công ty bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm qua và năm nay, cuộc đua tăng vốn đã bắt đầu sớm.

Trung tuần tháng 2/2022, FWD Việt Nam thông báo tăng vốn điều lệ lên 18.546 tỷ đồng, tức tăng thêm 1.585 tỷ đồng so với trước. Với số vốn tăng lần này, FWD Việt Nam trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn thứ hai tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 1/2022, Sun Life Việt Nam được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 14.380 tỷ đồng lên 16.480 tỷ đồng, qua đó nằm trong nhóm 3 công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, hãng bảo hiểm nhân thọ có mức vốn điều lệ lớn nhất thị trường là Manulife Việt Nam, sau đợt tăng vốn lên 22.220 tỷ đồng vào tháng 9/2021.

Theo giới chuyên gia, việc các công ty bảo hiểm nhân thọ đẩy mạnh tăng vốn điều lệ là nhằm phát triển kênh phân phối mới, mở rộng thị trường, phát triển các dịch vụ, giải pháp số hóa hiện đại, cũng như tăng dự phòng rủi ro theo quy định mới.

Thực tế, cả 3 công ty bảo hiểm có vốn điều lệ lớn nhất thị trường nhân thọ Việt Nam hiện nay đều đã thực hiện các thương vụ hợp tác độc quyền bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) có giá trị lớn thời gian qua. Chẳng hạn, Sun Life mua độc quyền bán bảo hiểm qua ACB, còn Manulife hợp tác độc quyền với VietinBank, trong khi FWD “nổi đình nổi đám” với loạt thương vụ hợp tác cùng Vietcombank, Agribank và HDBank.

Với triển vọng tăng trưởng của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung, thị trường nhân thọ nói riêng, tăng vốn điều lệ không chỉ thể hiện việc gia tăng đầu tư, mà còn là minh chứng cho sự lớn mạnh cả về quy mô vận hành lẫn số lượng khách hàng của các hãng bảo hiểm.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2021, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tăng thêm tổng cộng 23.501 tỷ đồng vốn, nâng tổng mức vốn điều lệ lên 117.572 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2021, vốn điều lệ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã tăng hơn 3 lần, tương ứng 90.709 tỷ đồng (từ 26.863 tỷ đồng năm 2016 lên 117.572 tỷ đồng năm 2021).

Việc tiếp tục được đầu tư mạnh giúp bancassurance duy trì vị thế là một trong những kênh bán hàng có doanh số tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 và được dự báo sẽ bùng nổ hơn trong năm 2021, khi nhiều hợp đồng được đẩy mạnh khai thác.

Cùng với đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ được kỳ vọng sẽ có nhiều cải tiến đột phá hơn liên quan đến công nghệ và trải nghiệm khách hàng. Trong một thông báo mới nhất, Sun Life Việt Nam cho biết đã chính thức triển khai hệ thống xử lý và phát hành hợp đồng tự động - Sun Express cho toàn bộ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi tiến hành nộp trực tuyến. Hệ thống này được áp dụng là bước ngoặt mới trong việc cải thiện trải nghiệm cho cả khách hàng lẫn nhân viên tư vấn tài chính của Sun Life Việt Nam .

Nhìn chung, động thái liên tục tăng vốn điều lệ của các hãng bảo hiểm nhân thọ nước ngoài phần nào cho thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đồng thời thể hiện các doanh nghiệp khối này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc đua “dài hơi” trên thị trường.

Thực tế, để tăng cường sự thích ứng trong thời dịch, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tìm cách đa dạng hóa và gia tăng kênh phân phối. Theo đó, việc hợp tác với các công ty thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada), công ty công nghệ tài chính - Fintech (Grab, Momo) hay công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech) cũng trở nên phổ biến hơn.

SSI Research đánh giá, sự hợp tác với các Insurtech nhằm tăng cường khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data) sẽ giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối trong tương lai.

Tin bài liên quan