Nguyên tắc biểu quyết thông thường chỉ cần quá bán là đủ, không cần ít nhất 51%

Nguyên tắc biểu quyết thông thường chỉ cần quá bán là đủ, không cần ít nhất 51%

Bất cập cơ chế họp cổ đông, khắc phục cách nào?

(ĐTCK) Luật Doanh nghiệp 2014 đã có nhiều cải cách về cơ chế họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nhưng thực tiễn triển khai thời gian qua vẫn cho thấy một số bất cập. Các doanh nghiệp và giới luật sư đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, theo kế hoạch vào tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội xem xét, là cơ hội tốt để khắc phục những bất cập về cơ chế họp ĐHCĐ hiện tại. Các quy định về gửi thông báo mời họp ĐHCĐ, khoảng thời gian tổ chức họp… hiện quy định cứng, mà không cho phép sự điều chỉnh mềm dẻo theo thỏa thuận của các nhà đầu tư. Nên trao quyền cho điều lệ công ty quy định các nội dụng này, luật chỉ quy định số ngày tối đa hoặc tối thiểu…”, luật sư Trần Anh Đức, thành viên Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nói.

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, cuộc họp ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu có quyền biểu quyết; các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành…

Tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp và luật sư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các quy định này nên sửa thành “quá bán” hoặc “trên 50%” là chuẩn và chặt chẽ, thay vì quy định “ít nhất 51%” như hiện hành là sai về mặt logic. Nguyên tắc biểu quyết thông thường chỉ cần quá bán là đủ, chứ không cần ít nhất 51%.

Nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi Điều 146 (quy định về biên bản họp ĐHCĐ) và Điều 154 (về biên bản họp hội đồng quản trị) tại Luật Doanh nghiệp hiện hành theo hướng: quy định trường hợp nghị quyết và biên bản họp ĐHCĐ đã được thông qua theo đúng trình tự quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, mà chủ tọa cuộc họp từ chối ký tên vào các biên bản này, thì phải có họ tên, chữ ký của các thành viên hội đồng quản trị đã tham dự họp và biểu quyết nhất trí thông qua nghị quyết của hội đồng quản trị. Hướng điều chỉnh này nhằm khắc phục tình trạng sau khi ĐHCĐ và hội đồng quản trị họp, biểu quyết thì chủ tọa cuộc họp từ chối ký tên vào biên bản họp dẫn đến biên bản này không hợp lệ theo quy định và công ty không thể triển khai các nghị quyết của ĐHCĐ và hội đồng quản trị.

Một vướng mắc khác, theo phản ánh của các doanh nghiệp, là quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo quy định hiện hành, người đại diện theo pháp luật của là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lúng túng khi áp dụng quy định này.

VCCI cho rằng, quy định như Luật Doanh nghiệp hiện hành thì thông tin “đại diện theo pháp luật” đang rất khó kiểm soát, vì bên thứ ba không phải lúc nào cũng có điều kiện hoặc muốn kiểm tra tư cách người đại diện doanh nghiệp. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh cần quy định, tư cách người đại diện theo pháp luật phải được thể hiện rõ trong các văn bản giao dịch của doanh nghiệp.

Cá nhân không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ được đại diện cho doanh nghiệp nếu có sự uỷ quyền bằng văn bản có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu để cho người khác sử dụng trụ sở giao dịch, giấy tờ giao dịch, con dấu và hoá đơn của doanh nghiệp, phương tiện giao dịch của doanh nghiệp để giao dịch với bên thứ ba, tạo hiểu lầm họ đang đại diện cho doanh nghiệp, gây ra thiệt hại hoặc phát sinh tranh chấp.

Liên quan đến người đại diện, ông Trần Thanh Tùng, Công ty Luật Phước & Partners cho biết, Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 về phạm vi đại diện quy định, người đại diện được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau: quyết định của cơ quan có thẩm quyền; điều lệ của pháp nhân; nội dung ủy quyền; quy định khác của pháp luật.

Theo đó, điều lệ công ty là một cơ sở quan trọng để xác định phạm vi thẩm quyền, phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật. Để phù hợp với Bộ luật Dân sự, đề nghị Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo hướng:

“Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì mỗi người đại diện theo pháp luật đều có đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”.   

Tin bài liên quan