Bất cập mô hình công ty TNHH và công ty cổ phần

Bất cập mô hình công ty TNHH và công ty cổ phần

(ĐTCK) Trong quá trình sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014, đã có những ý kiến đóng góp từ giới chuyên gia pháp lý cho rằng, cần phải chỉnh sửa tận “gốc rễ” quy định về mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty cổ phần (CTCP) cho phù hợp.

Mới đây, trong cuộc hội thảo lấy ý kiến giới chuyên gia và doanh nghiệp nhằm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đã nêu ý kiến về việc xem xét chỉnh sửa các quy định bất cập về mô hình công ty TNHH và CTCP. Theo đó, 2 mô hình này có nhiều điểm tương đồng và các quy định quản trị như luật hiện hành dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện.

Theo quy định tại Điều 47 Luật Doanh nghiệp, công ty TNHH có thể có thành viên là tổ chức, cá nhân, số lượng không vượt quá 50. Với một công ty có quy mô tối đa 50 người góp vốn thì việc quản lý, điều hành doanh nghiệp với hội đồng thành viên (HĐTV) có sự tham gia của tất cả thành viên trở nên khó khăn.

“Luật quy định thành viên có quyền tham dự họp HĐTV, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐTV. Chưa nói đến công ty có 50 thành viên, chỉ cần 10 - 20 thành viên thì đã rất khó khăn để thảo luận thống nhất ý kiến về các công việc điều hành”, luật sư Đức nói.

Trong khi đó, nếu lựa chọn CTCP thì dù chỉ có 3 cổ đông vẫn phải tổ chức theo mô hình Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), HĐQT, Ban kiểm soát. Theo luật sư Đức, đây là điểm bất cập: Doanh nghiệp với 50 thành viên góp vốn thì không có ĐHCĐ, HĐQT, Ban kiểm soát và về bản chất, dù là mô hình công ty TNHH hay CTCP đều có đặc điểm chính là trách nhiệm hữu hạn trong phần vốn của pháp nhân.

Thực tế, có nhiều trường hợp, do quy mô cổ đông quá nhỏ, 3 hoặc 5 người với các cổ đông có mối quan hệ gia đình, hoặc quen biết, việc tổ chức ĐHCĐ, ra Nghị quyết, các cuộc họp của HĐQT qua loa hoặc thậm chí không họp, chỉ thống nhất miệng rồi ra văn bản. Khi hoạt động kinh doanh suôn sẻ, lợi nhuận chia đều thì các cổ đông đều đồng thuận. Nhưng công ty thua lỗ hoặc mối quan hệ cá nhân giữa các cổ đông sứt mẻ thì các điều luật về quản trị CTCP, về trình tự, thủ tục ĐHCĐ được các bên viện dẫn để làm vũ khí chống lại nhau.

Đã từng có trường hợp tranh chấp giữa các cổ đông của một công ty nhỏ dẫn đến phải khởi kiện ra tòa. Theo đó, Công ty Bảo tồn Di sản văn hóa Việt có 5 cổ đông sáng lập, cổ đông H được bầu làm Chủ tịch và Giám đốc công ty. Sau một thời gian hoạt động, các cổ đông khác muốn miễn nhiệm ông H vì cho rằng ông “làm ăn” không hiệu quả. Thông báo mời họp ĐHCĐ sử dụng hình thức tin nhắn điện thoại, địa điểm họp ở quán cà phê, không có tài liệu và các cổ đông giơ tay biểu quyết để miễn nhiệm ông H.

Sau này, ông H đã khởi kiện đề nghị Tòa án hủy Nghị quyết ĐHCĐ vì trình tự thủ tục tổ chức họp và ra quyết định trái với Luật Doanh nghiệp. Mặc dù các quan điểm mà ông H đưa ra là có căn cứ pháp lý và được Tòa án chấp nhận nhưng vụ việc này cho thấy, việc yêu cầu các CTCP với quy mô nhỏ 3, 5 người phải tuân thủ đầy đủ các quy định quản trị về ĐHCĐ, HĐQT, Ban Kiểm soát... dường như còn nhiều bất cập.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chúng ta nên xem xét sửa đổi đối với doanh nghiệp có từ 10 thành viên góp vốn trở xuống thì có thể hoạt động dưới mô hình công ty TNHH, với HĐTV điều hành. Nhưng các doanh nghiệp từ 11 thành viên góp vốn trở lên thì đăng ký mô hình CTCP nhằm đảm bảo quản trị doanh nghiệp được minh bạch, chuyên nghiệp và thuận tiện.

Đồng quan điểm, luật sư Vũ Ngọc Chi cho rằng, với các CTCP có số lượng cổ đông rất ít, cần có quy định quản trị riêng cho phù hợp. Quy định hiện hành tạo ra các tên gọi khác nhau nhưng bản chất là tương đồng, ví dụ thành viên góp vốn trong công ty TNHH không khác gì cổ đông - bản chất vẫn là các pháp nhân, cá nhân bỏ tiền góp vốn vào một doanh nghiệp; phần vốn góp của Công ty TNHH với cổ phần của CTCP đều là phần tiền được pháp nhân, cá nhân sử dụng góp vốn.

Hai loại hình doanh nghiệp này chủ yếu phân biệt ở mô hình tổ chức, quản trị. Với pháp nhân có nhiều thành viên góp vốn thì nên áp dụng mô hình CTCP. Trường hợp số lượng thành viên góp vốn ít thì áp dụng mô hình công ty TNHH. Việc xác định số lượng thành viên góp vốn để phân chia nên cân nhắc cho phù hợp. Công ty TNHH có tới 50 thành viên góp vốn là quá nhiều và gây khó khăn cho hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Hiện tại, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được xem xét sửa đổi trong một luật chung. Đại diện Ban soạn thảo nội dung cho biết sẽ cân nhắc các kiến nghị từ phía chuyên gia, cũng như thực tế hoạt động của doanh nghiệp và bổ sung vào Dự thảo luật.

Tin bài liên quan