Bất chấp dịch bệnh, ngành công nghiệp Vĩnh Phúc vẫn phát triển tốt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vượt lên trên những khó khăn do dịch bệnh, ngành công nghiệp Vĩnh Phúc vẫn duy trì được sự phát triển ổn định trong suốt 2 năm qua.
Ngành công nghiệp Vĩnh Phúc vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Ảnh: Internet.

Ngành công nghiệp Vĩnh Phúc vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Ảnh: Internet.

Phát triển ổn định

Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định. Vĩnh Phúc không có doanh nghiệp nào phải dừng sản xuất và không có lao động nào phải nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19.

Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 13.193 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký trên 206 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 71,5% doanh nghiệp đang hoạt động. 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá, trong đó, xe ô tô các loại tăng xấp xỉ 11%; doanh thu từ dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng 25,7%.

Ngành công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng vào bức tranh kinh tế chung của tỉnh, đưa GRDP tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với con số bình quân 1,42% của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%, ngành dịch vụ tăng 2,81%.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.680 tỷ đồng, đạt 80% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sự phát triển ổn định của hàng nghìn doanh nghiệp ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh là minh chứng rõ nhất tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, giúp Vĩnh Phúc vượt xa chỉ tiêu thu hút vốn FDI, DDI của năm 2021 ngay từ đầu quý III/2021, với 48 dự án mới, tổng vốn đầu tư đạt 992,48 triệu USD và 16,3 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng xấp xỉ 43% cùng kỳ.

Còn theo Sở Công thương, công nghiệp là ngành có sự bứt phá, tăng cao, nhất là trong nửa đầu năm là do Vĩnh Phúc đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện mục tiêu kép, giúp người dân, doanh nghiệp dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch tốt vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Ứng phó linh hoạt

Nhất quán quan điểm bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết và bảo vệ an toàn cho sản xuất, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, vào các nhà máy, khu công nghiệp gây ra đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, trong từng giai đoạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã nhanh chóng đưa ra những quyết sách đúng đắn vừa bảo đảm an toàn chống dịch vừa để không phải đóng cửa bất kỳ nhà máy, xưởng sản xuất nào, càng không để người lao động mất việc làm.

Cùng với chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, thiết lập vùng cách ly, “vùng xanh” an toàn trong doanh nghiệp; yêu cầu 100% doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thực hiện tầm soát sàng lọc cho chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Tổ chức các đoàn công tác, hội nghị trực tuyến do đích thân các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, lao động, hồ sơ thủ tục giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan đánh giá tác động, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp để xây dựng kịch bản ứng phó trong từng tình huống.

Suốt thời gian qua, từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các kịch bản, chủ động thích ứng trong điều kiện tình hình mới khi thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch gắn với các giải pháp đổi mới cách thức tiếp cận, tìm kiếm thị trường cung cấp nguyên liệu thay thế; giữ chân người lao động, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm…

Để tiếp sức cho các doanh nghiệp chuyển mình vươn lên thích ứng với tình hình mới, Vĩnh Phúc đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách, tạo đột phá về thể chế; tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động; triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105/NQ, ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; rà soát, nghiên cứu xem xét các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chi phí phun khử khuẩn, tiền xe bus, tiền thuê trọ cho công nhân, tiền điện, nước.

Những tháng cuối năm 2021, dự báo kinh tế Vĩnh Phúc nói chung và ngành công nghiệp nói riêng còn rất khó khăn, thách thức. Do đó, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, có các cơ chế, chính sách riêng trợ lực cho doanh nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ, nâng cao năng lực thực hiện của các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về logistics; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đồng thời, sớm ban hành quy định cho phép doanh nghiệp áp dụng linh hoạt thời gian làm việc thêm giờ trong thời gian không phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng tốc, bứt phá những tháng cuối năm.

Tin bài liên quan