Bình Thuận đang hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Dũng Minh

Bình Thuận đang hấp dẫn nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản nghỉ dưỡng: Vui với khách nội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành du lịch dần hồi phục cũng là lúc bất động sản nghỉ dưỡng đặt hy vọng “lấy lại những gì đã mất” thời gian qua.

Bật dậy cùng du lịch

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát gần như hoàn toàn tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước từ cuối tháng 3/2020, Đỗ Quyên (Hà Nội), chủ một đại lý chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé giá rẻ cùng tour du lịch liên tục cập nhật trang Facebook cá nhân những hình ảnh do đoàn khách chụp lại và check-in trong các chuyến du lịch tới Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...

Theo Quyên, chưa bao giờ đi du lịch vào thời điểm này lại hợp lý đến thế khi các hãng hàng không liên tục tung ra các đợt bán vé máy bay giá 0 đồng hoặc chỉ vài chục nghìn đồng (chưa bao gồm thuế, phí) đi kèm các chương trình giảm giá phòng nghỉ từ các chuỗi khách sạn, resort…, đặc biệt ở khu vực miền Trung, nhằm kích cầu du lịch.

Thực tế, nhiều khách sạn, resort đã đưa ra chính sách kích cầu từ đầu tháng 3/2021 đến hết 31/12/2023, chương trình bao gồm phòng nghỉ trong 2 đêm 3 ngày với giá chỉ từ 1.990 triệu đồng/khách cho 2 người lớn kèm 2 trẻ em dưới 12 tuổi. Ngoài ra, khách còn được miễn phí ăn 6 bữa chính và bữa phụ chiều tại hồ bơi, vui chơi không giới hạn trong khách sạn, đưa đón sân bay…

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hầu hết các tỉnh, thành phố có du lịch biển đều đã lên kế hoạch đón du khách từ đầu tháng 3/2021. Chẳng hạn, Vũng Tàu sôi động trở lại với tuần lễ “Món ngon phố biển Vũng Tàu 2021” quy tụ hơn 100 gian hàng ăn uống, quán bar… từ 3-5 sao đến ẩm thực đường phố. Nhiều khách sạn và resort 5 sao tại Vũng Tàu có giá phòng giảm mạnh, chỉ từ 700.000 đồng/đêm.

Thành phố biển Nha Trang đã khởi động chiến dịch “Điểm đến an toàn - Nha Trang biển gọi” với hơn 100 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao. Các gói du lịch gồm vé máy bay khứ hồi và khách sạn tại Nha Trang giảm chưa từng có, từ 50-70%.

Tại một cuộc tọa đàm về phát triển du lịch Đà Nẵng năm 2021 diễn ra đầu tháng 4/2021, lãnh đạo thành phố này cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách nội địa cũng như sẵn sàng đón khách quốc tế, bao gồm phát triển phố đi bộ Bạch Đằng, điểm check-in cầu Nguyễn Văn Trỗi, thí điểm một số khu vực vui chơi về đêm cho du khách kéo dài đến 3h sáng... Cùng với đó, các hãng hàng không, công ty lữ hành, du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort… cũng đều đồng loạt tung ra nhiều loại hình và gói kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút du khách ở mọi miền đất nước.

Theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, từ giữa tháng 2/2021, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch của khách nội địa tăng cao so với thời điểm đầu năm và tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh thực tế nhu cầu đi lại du lịch của người dân vẫn luôn rất cao, sẵn sàng đi du lịch trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đây là tín hiệu tích cực cho du lịch nội địa khi các kỳ nghỉ lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5 hay mùa cao điểm du lịch Hè đến gần.

Trong khó khăn cũng là lúc các doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn, linh hoạt hơn trong các chiến lược kinh doanh của mình và điều này được ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours chia sẻ rằng, chiến lược kinh doanh của Công ty đã được điều chỉnh phù hợp với thực tế, trong đó có các chương trình thu hút khách đến với khu nghỉ dưỡng và chính sách đảm bảo du lịch an toàn cho khách hàng, qua đó mang lại hiệu ứng tích cực, giúp khách du lịch tự tin hơn khi nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ của Tập đoàn.

“Nhu cầu của khách hàng đã đa dạng hơn, thay vì chỉ lựa chọn các tour du lịch trọn gói như trước đây, thì nay các kỳ nghỉ hay gói combo bao gồm các dịch vụ lẻ như máy bay, khách sạn… đã lên ngôi. Khách hàng cũng có xu hướng đi ngắn ngày và đi theo từng nhóm nhỏ, thay vì đi theo đoàn đồng và dài ngày như trước”, ông Hoan chia sẻ thêm.

Điểm đến cũ, nhưng sản phẩm phải mới

Cùng với sức bật của ngành du lịch sau thời gian bị nén lại vì đại dịch Covid-19, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng kỳ vọng sẽ “phá băng” để bứt lên.

Thực tế, trải qua hơn 1 năm sống chung với Covid, đa phần người dân, đặc biệt là các tín đồ du lịch, đã biết cách tự bảo vệ bản thân, tìm ra cách thỏa mãn niềm đam mê khám phá mà vẫn đảm bảo an toàn, đó cũng là các gợi ý trong cách thức phát triển các mô hình bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Tại một hội thảo về bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra cách đây không lâu, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, với tỷ trọng 85% khách du lịch là khách trong nước, du lịch nội địa tiếp tục là điểm tựa của thị trường thời gian tới. Đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng yêu thích xu hướng du lịch trải nghiệm. Các mô hình sản phẩm như nghỉ dưỡng nội đô (staycation), resort chăm sóc sức khỏe, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B (ẩm thực), vui chơi giải trí độc đáo… sẽ nở rộ.

Trong bối cảnh đó, việc nắm bắt thời cơ triển khai các tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn tại các địa phương tiềm năng nhằm làm giàu trải nghiệm cho du khách là cách tạo ra dấu ấn của các chủ đầu tư. Trong đó, các dự án sẽ tập trung nhiều hơn tới yếu tố xanh, giao hòa với thiên nhiên, môi trường trong lành, thay vì bó hẹp trong khuôn viên khu nghỉ, bởi các dự án này sẽ được du khách lựa chọn nhiều hơn cho các chuyến du lịch trải nghiệm của mình.

Chẳng hạn, Novaland với mô hình “đô thị biển” Novaworld Ho Tram mang đến một tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí “tất cả trong một”, đáp ứng mọi nhu cầu du lịch của đa dạng nhóm khách hàng, mô hình nghỉ dưỡng “wellness – tourism” của L'alyana resort Phú Quốc do Phú Long triển khai, hoặc tắm khoáng kiểu Nhật của Onsen thuộc Sun Group, hay như loạt dự án độc đáo khác đang triển khai của Vingroup, BIM Group, FLC Group…

Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, điểm nổi bật của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đó, ngành du lịch rất cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch quy mô lớn, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch địa phương cũng như cả nước thời gian qua.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, thời điểm khó khăn vừa qua được xem là một quá trình thanh lọc, nhà đầu tư sẽ lựa chọn các dự án của chủ đầu tư uy tín, dự án pháp lý đầy đủ, có tiềm năng về kinh doanh du lịch.

Ông Đính cho biết, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư có xu hướng mở rộng mô hình khai thác, tích cực phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch mới, nổi bật là hình thức shophouse/shopvilla ven biển tại Phú Quốc và Hạ Long. Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, sản phẩm này còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini-hotel), nhờ đó đã thu hút nhiều đối tượng mua là những nhà đầu tư cá nhân đã có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Apec Group đánh giá, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã trải qua một năm 2020 đầy biến động trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp địa ốc, khó khăn chỉ là ngắn hạn, là thời điểm để tích lũy kinh nghiệm quản trị và cũng như khẳng định tiềm lực tài chính.

“Ở góc độ lạc quan, bất động sản nghỉ dưỡng đang có cơ hội bật mạnh trở lại nhờ bệ đỡ từ hành lang pháp lý dần được kiện toàn đến công tác chống dịch thành công của Việt Nam”, ông Huy nêu quan điểm.

Tin bài liên quan