Hầm trú ẩn trong “cú sốc” thuế quan
Sau cú sốc thuế quan từ Mỹ, nhiều nhà đầu tư quỹ mở đã có cái nhìn toàn diện hơn về các loại hình quỹ mở cổ phiếu, trái phiếu, quỹ cân bằng… Theo đó, quỹ trái phiếu trở thành “hầm trú ẩn” an toàn cho tài sản của nhà đầu tư khi có những biến động bất ngờ, dữ dội trên thị trường.
Sau công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thuế đối ứng vào đầu tháng 4, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một tuần bị bán tháo dữ dội và thị trường Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Hòa cùng đà giảm của cổ phiếu trên thị trường, giá chứng chỉ quỹ của các quỹ mở cổ phiếu trong sắc đỏ, trong đó các chứng chỉ quỹ từng tăng trưởng mạnh nhất cũng nằm trong nhóm giảm giá nhiều nhất.
Dù an toàn so với tự đầu tư, nhưng rủi ro vẫn có khi đầu tư chứng chỉ quỹ, vì giá của chứng chỉ quỹ phụ thuộc vào giá thị trường của các tài sản mà quỹ đầu tư mua vào và giá trị này có thể giảm mạnh khi thị trường diễn biến tiêu cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cổ phiếu xuống giá mạnh, chứng chỉ quỹ của các quỹ mở trái phiếu vẫn duy trì được sắc xanh. Đây cũng là điểm tựa tâm lý cho các nhà đầu tư có sự phân bổ tài sản vào quỹ trái phiếu để phân tán rủi ro.
Theo số liệu của Fmarket, kể từ đầu năm tới nay, chỉ các quỹ trái phiếu duy trì được hiệu suất đầu tư tăng trưởng dương. Đồng thời, đây cũng là nhóm quỹ giữ được hiệu suất đầu tư tích cực trong 1 năm qua
Trong tháng 3/2025, nhóm quỹ trái phiếu ghi nhận hiệu suất trung bình 0,5%. Ngược lại, nhóm quỹ cổ phiếu và cân bằng kém tích cực với hiệu suất trung bình lần lượt là -2,7% và -1,5%. Lũy kế quý I/2025, sự phân hóa về hiệu suất giữa các quỹ trái phiếu và nhóm còn lại tiếp tục được ghi nhận. Cụ thể, nhóm quỹ trái phiếu đạt mức tăng trưởng 1,4%, trong khi hiệu suất nhóm quỹ cổ phiếu là -1,8% và nhóm quỹ cân bằng -0,3%.
Xét trên khung thời gian 6 tháng gần nhất, nhóm quỹ trái phiếu vẫn duy trì hiệu suất vượt trội so với nhóm quỹ cổ phiếu và cân bằng, phản ánh sự ổn định của chiến lược đầu tư thu nhập cố định trong giai đoạn thị trường cổ phiếu đi ngang như nửa cuối năm 2024 và giai đoạn biến động mạnh như hiện nay.
Nhìn trong quãng thời gian dài hơn, với hiệu quả đầu tư tích cực, sau 3 năm liên tiếp rút ròng, dòng tiền lại vào ròng trở lại với các nhóm quỹ trái phiếu trong năm vừa qua.
Thống kê của FiinTrade cho thấy, trong năm 2024, quy mô vào ròng quỹ trái phiếu bình quân khoảng 1.700 tỷ đồng/tháng. Xu hướng dòng vốn quay trở lại nhóm quỹ trái phiếu diễn ra trên diện rộng, ghi nhận ở 14/23 quỹ, nhưng tập trung phần lớn ở Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) của Techcombank và Quỹ Trái phiếu Việt Nam (DCBF) do Dragon Capital quản lý.
“Năm 2024 là năm nổi bật của các quỹ trái phiếu với dòng tiền ròng dương trở lại và hiệu suất ổn định mặc dù một số quỹ khác vẫn chịu áp lực rút vốn nhẹ. Điều này phản ánh sự chuyển dịch ưu tiên của nhà đầu tư sang các sản phẩm an toàn và ít biến động”, FiinTrade cho biết.
Lũy kế 12 tháng gần nhất, nhóm quỹ trái phiếu ghi nhận vào ròng tổng cộng gần 14.100 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở Quỹ TCBF (11.500 tỷ đồng), tương đương 81,6% tổng giá trị vào ròng.
Nhiều quỹ trái phiếu có hiệu suất đầu tư ấn tượng
Quỹ trái phiếu là quỹ mở được đầu tư chủ yếu (từ 80% giá trị tài sản ròng trở lên) vào các loại trái phiếu như trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương hay trái phiếu doanh nghiệp và các loại giấy tờ có giá khác. Đây là lý do quỹ trái phiếu được lựa chọn đầu tư với mục tiêu lợi nhuận ổn định và thường kỳ vọng hiệu quả chỉ cao hơn lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, có một số quỹ trái phiếu đang sở hữu lợi suất đầu tư lên tới 2 con số trong một năm qua.
Một trong những quỹ trái phiếu đang mang lại hiệu suất đầu tư cao nhất cho nhà đầu tư là Quỹ Đầu tư trái phiếu Lighthouse (LHBF) do Lighthouse Capital quản lý. Năm 2024, hiệu suất đầu tư của Quỹ đạt 11,12%, trong khi chỉ số tham chiếu là 4,72% (chỉ số tham chiếu là bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng thanh toán lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank tại ngày cuối tháng của kỳ báo cáo).
Một quỹ trái phiếu khác với quy mô lớn hàng đầu thị trường với tài sản quản lý đạt 13.705 tỷ đồng cũng có hiệu suất đầu tư đáng mơ ước, thậm chí có thể so sánh với các quỹ cổ phiếu là Quỹ Đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF). Năm 2024, hiệu suất đầu tư của quỹ này đạt 13,4%, cao vượt trội so với lãi suất tham chiếu là 5,5%/năm.
Hiệu quả tích cực của các quỹ trái phiếu khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ, bởi vượt xa kỳ vọng so với lãi suất tiết kiệm.
Linh hoạt phân bổ danh mục, “chìa khóa” thành công
Trong giai đoạn thị trường biến động, việc phân bổ danh mục đầu tư hợp lý giữa quỹ cổ phiếu và quỹ trái phiếu cũng là điều được giới chuyên gia khuyến nghị.
Đầu tư qua quỹ mở được coi là thụ động hơn so với tự đầu tư, nhưng không có nghĩa nhà đầu tư được phép “bỏ mặc” khoản đầu tư của mình. Ngược lại, tính chủ động trong việc đánh giá quỹ mở là rất quan trọng. Danh mục quỹ mở cần được nhà đầu tư theo dõi và xem xét lại định kỳ (ví dụ mỗi quý hoặc nửa năm) hoặc đột xuất (ngay khi có sự kiện làm thay đổi giả định đầu tư) nhằm đảm bảo danh mục vẫn phù hợp với mục tiêu cá nhân và bối cảnh thị trường hiện tại.
Theo Fmarket, nền tảng giao dịch chứng chỉ quỹ quy mô lớn nhất trên thị trường hiện tại, một chiến lược đặc thù mà nhà đầu tư quỹ mở có thể tận dụng khi thị trường giảm mạnh là sử dụng lệnh “switch”, tức là chuyển đổi giữa các quỹ trong cùng công ty quản lý quỹ. Hầu hết các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam đều cho phép nhà đầu tư chuyển đổi chứng chỉ quỹ miễn phí giữa các quỹ do họ quản lý. Điều này mở ra một kênh phòng thủ linh hoạt, mà không làm nhà đầu tư mất đi vị thế trên thị trường hoàn toàn.
Cách thức phổ biến nhất là chuyển từ quỹ cổ phiếu sang quỹ trái phiếu ngắn hoặc dài hạn khi dự báo thị trường cổ phiếu sẽ còn giảm sâu. Ví dụ, một nhà đầu tư đang nắm giữ quỹ cổ phiếu có thể đặt lệnh switch sang quỹ trái phiếu. Lệnh này thực chất bao gồm việc bán chứng chỉ quỹ cổ phiếu và đồng thời mua chứng chỉ quỹ trái phiếu tương ứng bằng số tiền đó, thường được thực hiện trong cùng một ngày định giá. Nhờ đó, nhà đầu tư trú ẩn tạm thời vào quỹ trái phiếu – nơi tài sản an toàn hơn, biến động thấp hơn.
Quan trọng, nhà đầu tư không phải trả phí rút rồi nộp lại tiền, và vẫn được tính lãi của quỹ trái phiếu đến ngày chuyển đổi. Nói cách khác, khác với rút tiền tiết kiệm trước hạn (mất hết lãi), việc chuyển đổi quỹ giúp nhà đầu tư vừa bảo toàn phần lớn thành quả đã tích lũy, vừa tránh được rủi ro lớn từ cổ phiếu trong ngắn hạn.
“Đây thực sự là một công cụ hữu ích để tái cân bằng danh mục trong những thời điểm bất thường. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần thận trọng: việc switch quỹ nên dựa trên phân tích và tư vấn, thay vì chạy theo cảm xúc nhất thời. Nếu lạm dụng switch quá thường xuyên, bạn có thể vô tình biến mình thành một “nhà giao dịch” thiếu kỷ luật và đánh mất lợi thế dài hạn của quỹ mở”, Fmarket khuyến nghị.