Bất ngờ với tăng trưởng xuất khẩu của ngành nhựa

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu sản phẩm từ nhựa và nguyên liệu nhựa của Việt Nam dù chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2020, nhưng vẫn mang về kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD.
Năm 2020, ngành nhựa mang về 5 tỷ USD từ xuất khẩu, trong đó nguyên liệu nhựa đạt 1,35 tỷ USD, và sản phẩm nhựa đạt 3,65 tỷ USD.

Năm 2020, ngành nhựa mang về 5 tỷ USD từ xuất khẩu, trong đó nguyên liệu nhựa đạt 1,35 tỷ USD, và sản phẩm nhựa đạt 3,65 tỷ USD.

Ngành nhựa, trong đó có mảng sản xuất nguyên liệu nhựa và các sản phẩm từ nhựa đã có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong năm 2020 khi mang về kim ngạch 5 tỷ USD, trong đó nguyên liệu nhựa đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 24,3% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm nhựa đạt trên 3,65 tỷ USD, tăng 6,35%.

Doanh thu từ xuất khẩu ghi nhận mức 5 tỷ USD, nhưng cũng giống nhiều ngành xuất khẩu chủ lực, khối ngoại đang nắm giữ phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đơn cử, trong 3,65 tỷ USD thu về từ xuất khẩu các sản phẩm nhựa, khối các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 66% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.này. Còn với nguyên liệu nhựa, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu được 889 nghìn tấn, trị giá đạt 883 triệu tăng 21,8% về lượng và 2,8% về trị giá so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 65,5% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng.

Báo cáo Xuất nhập khẩu 2020 cho hay, năm qua, sản phẩm nhựa của nước ta được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 58,9% so với năm 2019, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản, xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta sang thị trường này đạt 672,9 triệu USD, giảm 7,3% so với năm 2019, chiếm khoảng 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa của Nhật Bản hàng năm khoảng trên 10 tỷ USD. Do đó, đây sẽ là thị trường xuất khẩu sản phẩm nhựa tiềm năng của Việt Nam. Xuất khẩu sang khối EU đạt 458,1 triệu USD, giảm 3,6% so với năm 2019.

Ngành sản xuất nhựa tại Việt Nam đang do các doanh nghiệp FDI nắm giữ, điển hình là các nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Chẳng hạn, Tập đoàn Siam Cement Group-SCG (Thái Lan) đang dần nắm trọn thượng nguồn và hạ nguồn của ngành sản xuất nhựa Việt Nam thông qua việc mua cổ phần tại các DN lớn như Nhựa Duy Tân, Bao bì Biên Hòa, Nhựa Bình Minh...

Mới đây nhất, SCG công bố mua lại 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân, một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG nội địa.

Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ baht), với tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng (6,5 tỷ baht). Công suất hàng năm của doanh nghiệp này là 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và các sản phẩm nhựa gia dụng.

Có thêm Nhựa Duy Tân, danh sách các công ty trong mảng bao bì của SCG tăng lên 8, với tổng doanh thu của riêng mảng kinh doanh này đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Tin bài liên quan