Yếu tố giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu giảm vẫn đang kéo giá xuống

Yếu tố giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu giảm vẫn đang kéo giá xuống

Bất thường CPI hai tháng cuối năm

(ĐTCK) Cơ quan thống kê vừa công bố, CPI tháng 12 tại 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM tiếp tục giảm, trong đó Hà Nội giảm 0,23%, TP. HCM giảm 0,36% so với tháng trước. Đây là diễn biến bất thường so với những năm trước.

Diễn biến ngược quy luật

Với mức giảm liên tục trong những tháng gần đây, tính chung năm 2014, CPI của Hà Nội chỉ tăng 1,55%, CPI của TP. HCM tăng 1,65%. Còn tính bình quân năm 2014 so với năm 2013, CPI tại Hà Nội tăng 4,55%, CPI tại TP. HCM tăng 4,13%.

Từ diễn biến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI tháng 12 của cả nước khó có thể vượt lên mức 1%, thậm chí có thể tiếp tục giảm do giá xăng dầu vừa có một đợt giảm kỷ lục và vẫn có khả năng điều chỉnh thêm. Dự báo, chỉ số lạm phát năm 2014 khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu 7% theo kế hoạch đầu năm và mức 5% sau khi Chính phủ hạ xuống hồi giữa năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, 2014 là một năm có diễn biến CPI rất khác thường so với quy luật hàng năm và do đó, kéo theo diễn biến kinh tế cũng “không bình thường” so với mọi năm. Xét về mức độ và tần suất giảm của CPI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, CPI năm nay giảm vào các tháng 3, 5, 11 và 12, trong đó việc giảm liên tục vào 2 tháng cuối năm là thời điểm cận Tết Dương lịch và Âm lịch là đi ngược lại so với quy luật hàng năm. Bên cạnh đó, CPI luôn duy trì ở mức thấp, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chỉ số lạm phát duy trì ở mức thấp dưới 3% trong năm 2014 là nằm ngoài dự tính của tất cả các nhà điều hành kinh tế vĩ mô, khiến thị trường giá cả cũng có những diễn biến trái ngược. 

Đáng mừng hơn đáng lo

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, đây là sự khác thường ngoài tiên lượng. Tuy nhiên, sự bất thường này là đáng mừng hơn đáng lo, vì nhìn chung sẽ mang lại tác động tích cực đối với thị trường, người tiêu dùng và các DN, từ đó giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô.

“CPI giảm sẽ tác động tới giá hàng hóa tiêu dùng và quan trọng hơn là chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN, dẫn tới giá cả hàng hóa giảm, chi phí sản xuất giảm, góp phần tăng sức mua và giúp DN tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Các tác động này sẽ làm cho nền kinh tế ngày càng ổn định và giá cả thị trường tốt hơn”, ông Thái phân tích.

Nhận định về nguyên nhân diễn biến bất thường của CPI năm nay, các chuyên gia có chung nhận định: về khách quan, trước hết là do xu hướng giảm mạnh của giá xăng dầu trong nửa cuối năm. Tính từ tháng 7 là thời điểm giá xăng dầu thế giới bắt đầu giảm cho đến nay, giá xăng dầu đã giảm với mức kỷ lục 30%, khiến giá nhiều loại hàng hóa và chi phí đầu của DN giảm theo. Thứ hai là nông nghiệp được mùa khiến giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh. Giá lương thực, phẩm chiếm tới 40% trong rổ tính CPI, nên khi giá giảm khiến giá cả chung duy trì ở mức thấp.

Về mặt chủ quan, việc áp dụng các chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát cũng là nguyên nhân khiến CPI giảm. Mặc dù có yếu tố tích cực là kiểm soát được lạm phát, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô, song thực chất diễn biến giảm đó bắt nguồn từ sức cầu giảm do các chính sách tài chính thắt chặt, trong khi chi phí của các DN giảm không đáng kể, năng suất, chất lượng của DN vẫn rất yếu, nền kinh tế có sức cạnh tranh không cao.

“Sức mua kém thể hiện ở sức cầu yếu, DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng dẫn tới sản xuất trì trệ, còn người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và có tâm lý chờ đợi giá giảm thêm”, ông Long nói.

Dự báo về diễn biến CPI trong 2 tháng giáp Tết Nguyên đán, ông Thái cho rằng, CPI tháng 1 và 2 năm 2015 có thể sẽ tăng, song không tăng nhiều. Hiện nay, yếu tố giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu giảm vẫn đang kéo giá xuống. Sức mua cũng đang thấp nên khó có thể đẩy giá lên nhiều.    

Tin bài liên quan