Vào phút chót, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải ra tay khi "bật đèn xanh" cam kết cấp tín dụng để Tập đoàn tài chính JP Morgan Chase (và cũng là đối thủ của Bear Stearns) tạm thời mua lại với giá 236 triệu USD, tức là chỉ có 2 USD/cổ phiếu. Trước khi mua lại, giá 1 cổ phiếu của Bear Stearns tại phiên giao dịch ngày 14/3/2008 tại Sở Giao dịch chứng khoán
Việc JP Morgan Chase tung tiền ra mua Bear Stearns với sự hậu thuẫn về tín dụng (30 tỷ USD) của FED đã gây phản ứng khác nhau và khá mạnh trong giới đầu tư, tài chính, chứng khoán Mỹ.
Phe phản đối thì cho rằng, việc FED "hợp đồng tác chiến'" với JP Morgan Chase là động thái can thiệp vào thị trường tài chính - chứng khoán không hợp lý, thiếu sức thuyết phục, có thể gây ra những phản ứng trái chiều, gây rối cho thị trường và tạo ra một tiền lệ xấu. Trong trường hợp này, nếu xảy ra rủi ro thì chính FED phải gánh, chứ không phải JP Morgan Chase. Đây là lần đầu tiên trong gần 80 năm qua, FED mới lại áp dụng phương thức cho vay khá lạ như thế này. Đã có người ví Bear Stearns như người sắp chết đuối vớ được cái cọc (là FED). Cụ thể, Bear Stearns trong tình cảnh không còn tiền mặt để hoạt động, giấy tờ có giá để cầm cố thì cũng mất giá nặng, bỗng chốc được FED bơm tiền mặt cứu giúp (trước mắt là cho 28 ngày đầu), song trên thực tế, không bơm trực tiếp mà thông qua JP Morgan Chase. Xét thuần tuý về mặt nghiệp vụ, FED cho JP Morgan Chase vay tiền để rồi JP Morgan Chase cho Bear Stearns vay lại, song những điều khoản hoặc ràng buộc liên quan đến vụ vay đi, vay lại này hoàn toàn không được tiết lộ.
Phe ủng hộ cho động thái trên, mà đại diện tiêu biểu nhất, rõ ràng nhất là ông Henry Paulson, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. Ông Henry Paulson khẳng định, việc JP Morgan Chase "vào cuộc" để Bear Stearns không phải nộp đơn xin phá sản là đúng đắn, thể hiện mối quan tâm hàng đầu vào lúc này của Chính phủ Mỹ là duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng Mỹ. Chính phủ Mỹ không muốn Bear Stearns bị sụp đổ, bởi nếu xảy ra thì sẽ gây ra phản ứng dây chuyền theo kiểu domino rất tai hại. "Mối quan tâm lớn của tôi là phải hạn chế đến mức thấp nhất có thể ảnh hưởng của vụ Bear Stearns đến nền kinh tế chung và sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ", ông Henry Paulson nói.
Ngay sau đó, vào ngày 18/3/2008, FED đã cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 3%/năm xuống còn 2,25% và còn để ngỏ khả năng là có thể cắt giảm tiếp xuống mức 2% trong phiên họp vào ngày 30/4/2008.
Trong 85 năm tồn tại ở phố Wall, với tổng tài sản 96,08 tỷ USD, hơn 14.100 nhân viên, với doanh thu hàng năm 5,95 tỷ USD và lợi nhuận thuần 233 triệu USD (số liệu năm 2007), Bear Stearns chưa bao giờ được coi là "đại gia" tầm cỡ như Citigroup hay JP Morgan Chase, song lại có tiếng là doanh nghiệp giỏi trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Oái oăm thay, cuối cùng, Bear Stearns suýt chết vì sở trường trên. Từ tháng 7/2007 đến nay, Bear Stearns bị dính khá nặng vào khủng hoảng cho vay tín dụng mua nhà đối với các đối tượng có thu nhập thấp ở Mỹ (subprime mortgage), với thiệt hại lên tới 3,2 tỷ USD.
Nhiều người lại đặt câu hỏi là tại sao JP Morgan Chase dang tay cứu giúp Bear Stearns, chứ không phải là "đại gia" khác? Có nhiều lý do khác nhau, song mấu chốt vẫn là ở người cầm trịch ở JP Morgan Chase. Ông James Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO), vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 52 của mình vào ngày 13/3/2008 thì ngay sau đó quyết định cứu giúp Bear Stearns. Thứ nhất, ông muốn phát huy truyền thống của JP Morgan Chase là hiệp sỹ luôn giúp kẻ khó trong cơn hoạn nạn. Năm 1907, ông John Pierpont Morgan, người sáng lập ra JP Morgan Chase đã cứu toàn bộ Sở Giao dịch chứng khoán