“Bệnh nặng” trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê bình, Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội liên tục nhắc nhở, song nhiều nơi vẫn không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Chính phủ kịp báo cáo Quốc hội.
“Bệnh nặng” trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44. Tại báo cáo, Chính phủ đánh giá, vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể là thời hạn ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 theo quy định là ngày 21/3/2019, nhưng một số đơn vị đến tháng 5, tháng 6/2019 mới ban hành.

Trong danh sách này có các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước...

Đáng chú ý là, đến ngày 25/3/2020, khi Chính phủ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn còn 4/35 bộ, cơ quan trung ương, 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, gồm Bộ Y tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tỉnh An Giang, Bắc Giang, Cao Bằng, Đồng Nai, Hòa Bình, Quảng Trị và TP.HCM.

Ngoài ra, nhiều đơn vị báo cáo chậm so với thời hạn quy định, tổng kết đánh giá kết quả sơ sài, không có thông tin, số liệu cụ thể về kết quả tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước.

Thực trạng đó được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra báo cáo) nhấn mạnh là nguyên nhân khiến Chính phủ không thể đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là các vi phạm, sai sót. “Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Theo quy định, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm đều được gửi đến Quốc hội. Và đáng nói là, từ năm 2018, khi mà có đến 4/34 bộ, cơ quan trung ương; 12/63 tỉnh, thành phố; 13/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm khắc phê bình. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, nhưng có bộ, ngành, địa phương vẫn không gửi báo cáo kết quả thực hiện, đến năm sau tình trạng đó vẫn tiếp tục tái diễn.

Năm nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiếp tục đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Quan tâm đến kỷ cương trong báo cáo kết quả, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói, năm trước, đã nhiều bộ, ngành chậm hoặc không gửi báo cáo, sang năm nay vẫn còn 11 bộ, địa phương chưa báo cáo. “Năm ngoái, Ủy ban Tài chính của Quốc hội đã đề nghị xử lý trách nhiệm về việc chậm trễ này, vậy đến nay đã xử lý chưa, có phải vì chưa xử lý nên năm nay mới lặp lại không?”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, năm trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê bình các bộ, ngành, địa phương không có báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm nay, nếu vẫn tiếp diễn thì phải kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc và yêu cầu cơ quan thẩm tra nêu rõ, nêu đầy đủ địa chỉ bộ, ngành, địa phương nào chưa báo cáo để kiến nghị lên Quốc hội.

Tin bài liên quan