Biến thể Delta làm chệch hướng phục hồi của kinh tế châu Á

Biến thể Delta làm chệch hướng phục hồi của kinh tế châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của châu Á từ mức thấp nhất của đại dịch Covid-19 vào năm ngoái đang mất đà khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi ngay cả khi các nền kinh tế ở châu Âu và Bắc Mỹ mở cửa trở lại.

“Rõ ràng là các nền kinh tế trong khu vực đang phải hứng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nhiều hơn so với trước đây. Yếu tố lớn nhất là châu Á có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, Rob Carnell, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn ING ở Singapore cho biết.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của nhà phân tích Refinitiv Eikon về 1.069 công ty có vốn hóa thị trường ít nhất 1 tỷ USD ở châu Á, các công ty lớn nhất châu Á có khả năng sẽ công bố mức giảm lợi nhuận trong quý III với mức giảm 6,19%.

Tăng trưởng lợi nhuận đang đình trệ ở châu Á

Tăng trưởng lợi nhuận đang đình trệ ở châu Á

Norihiro Fujito, chiến lược gia đầu tư chính tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ở Tokyo cho biết: “Sẽ có sự suy giảm trong quý III là điều có thể lường trước được”.

Chiến lược gia Fujito cho biết, trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ tiêm chủng ở Đông Nam Á và liệu Trung Quốc có thực hiện thêm các bước để hỗ trợ nền kinh tế của mình hay không.

Doanh số bán xe tại Trung Quốc đã giảm 11,9% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm trong tháng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh bùng phát virus và tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu đang kìm hãm sản lượng.

Toyota Motor Corp - nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo sản lượng bán ra - tuần trước cho biết sẽ cắt giảm 40% sản lượng trong tháng 9 tới đây so với kế hoạch trước đó do sự cố chip, mặc dù vẫn giữ nguyên mục tiêu sản xuất và bán hàng cho năm tài chính.

Về việc cung cấp các bộ phận rộng rãi hơn, Kazunari Kumakura, giám đốc điều hành Toyota cho biết: “Sự lây lan của virus và sự cố ngừng hoạt động ở Đông Nam Á đã có tác động lớn”.

Ảnh hưởng nguồn cung

Ở Đông Nam Á, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và các biện pháp phong toả chặt chẽ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất.

Dữ liệu của IHS Markit cho thấy, hoạt động của nhà máy trong khu vực đã thu hẹp vào tháng 7 với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2020.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit ở Singapore cho biết: “Đó là một tín hiệu khá mạnh mẽ cho thấy động lực kinh tế ở Đông Nam Á sẽ chậm lại trong quý III”.

Biến thể Delta bùng phát ở Đông Nam Á đã gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng cho nhiều nhà sản xuất lớn nhất thế giới, nhiều nhà sản xuất phụ thuộc vào phụ tùng ô tô và chất bán dẫn được sản xuất tại các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Giám đốc tài chính của Mitsubishi Motors Corp, Koji Ikeya cho biết, sự hồi sinh của Covid-19 sẽ làm suy giảm nhu cầu, tình trạng thiếu chip sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất, đồng thời giá thép và các vật liệu khác sẽ tăng.

“Vì những rủi ro đó, môi trường xung quanh chúng ta vẫn không ổn định”, ông Ikeya cho biết.

Tại Malaysia và Việt Nam, các biện pháp phong toả và các trường hợp lây nhiễm đã buộc các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động.

Chiến lược gia Carnell cho biết, các nền kinh tế châu Á đang chuyển từ trạng thái tương đối mở cửa sang phong toả nên GDP quý III sẽ sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, ING đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế quý III cho Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Australia.

Tin bài liên quan