Big-Trends: Cơ hội đầu tư giá trị tiếp tục được mở rộng

Big-Trends: Cơ hội đầu tư giá trị tiếp tục được mở rộng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư không thể tin được rằng diễn biến TTCK ngắn hạn lại kém đến như vậy khi lực bán áp đảo ở nhiều cổ phiếu và TTCK thay vì tích lũy quanh1.070 – 1.080 điểm thì lại điều chỉnh dưới mốc 1.050 – 1.060 điểm.

Những đánh giá tích cực về khả năng hạ lãi suất của NHNN, các hoạt động thúc đẩy đầu tư công triển khai nhanh các dự án cao tốc, dự án liên doanh thành phần các tuyến đường cao tốc thành phần – những triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực cũng không thể nào che lấp được thực trạng khó khăn của nền kinh tế cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, DNNY trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp bất động sản.

Số liệu kinh tế sau gần 4 tháng đầu năm đã chỉ ra mảng công nghiệp chế biến chế tạo – một trong những đầu tầu tăng trưởng của Việt Nam kể từ 2011 đã tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu, các dự án FDI đều tăng trưởng chậm lại so với các năm gần đây – Tình hình các doanh nghiệp mở mới giảm trong khi các doanh nghiệp giải thể tăng hơn 60% trong khi chưa tính số lượng lao động giảm ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. GDP chỉ tăng 3,32% so với kế hoạch ban đầu đưa ra khoảng 5%.

Việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bơm tiền vào lưu thông, giải quyết các khó khăn trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của không chỉ chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ban ngành và kể cả chính các doanh nghiệp cũng cần phải có sự nỗ lực lớn để vượt qua giai đoạn gian khó này.

Lãi suất huy động cao, sức cầu yếu của nền kinh tế đã dẫn theo sự tăng trưởng thụt lùi – nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút, sa thải nhân sự - nền kinh tế, cũng như TTCK cũng cần những kế hoạch, hành động cụ thể giúp nền kinh tế quay lại với quỹ đạo tăng trưởng vốn có, lấy lại niềm tin từ phía các nhà đầu tư.

Từ những khó khăn nội tại, nhiều áp lực cho tăng trưởng chưa kể dòng tiền yếu, niềm tin nhà đầu tư giảm mạnh đã khiến TTCK không thể tích lũy và sớm quay lại xu thế tăng – điều chỉnh từ vùng đỉnh sóng hồi quanh mốc 1.080 – 1.085 về sâu dưới mốc 1.045 – 1.050 điểm đã tác động mạnh đến sự kiên nhẫn của một số nhà đầu tư bởi việc giảm điểm dưới các vùng hỗ trợ hiện tại thì TTCK sẽ có thể mất thêm thời gian để điều chỉnh tích lũy thêm chứ không thể có thể hồi phục dần như nhiều người mong đợi.

Việc VN-Index quay trở lại khu vực 1.100 – 1.200 điểm có lẽ lại càng xa vời hơn và phải đợi cho đến giai đoạn quý III hoặc thậm chí quý IV/2023.

Giai đoạn hiện nay ngoại trừ việc khối ngoại quay lại bán ròng cả tháng 4 với giá trị lên tới 2.500 tỷ đồng, lực cầu yếu chưa kể áp lực bán ở nhiều cổ phiếu lớn đang khiến các chỉ số chứng khoán có dấu hiệu điều chỉnh tiếp – diễn biến phân hóa ở một số cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, công nghệ hay dược phẩm lại là điểm nhấn hiếm hoi – Nhóm cổ phiếu chứng khoán lại trở thành số ít nhóm ngành mà có nhiều cổ phiếu có lực cầu mua lên ấn tượng, tăng điểm ngược so với xu hướng thị trường chung như FTS, BSI, AGR…

Tuần giao dịch cuối tháng 4 – cận kề kỳ nghỉ lễ cũng là tuần quyết định xu hướng với kịch bản có thể có các phiên hồi phục nhẹ - VN-Index nhiều cơ hội quay lại mốc 1.050 – 1.060 điểm sau các phiên đầu tuần điều chỉnh rung lắc.

Có lẽ giá trị giao dịch trên thị trường vẫn sẽ ở mức thấp nhưng việc kỳ vọng thanh khoản cạn kiệt, nhiều cổ phiếu đã giảm sâu sẽ hồi phục trở lại – hy vọng ánh sáng cuối đường hầm kết thúc pha điều chỉnh có thể kết thúc trong tuần tới.

Giao dịch ngắn hạn thì sẽ vẫn khó nhưng cơ hội đầu tư giá trị lại tiếp tục được mở rộng hơn dành cho những nhà đầu tư kiên nhẫn với thị trường và hoàn toàn tin vào quá trình đi lên của thị trường trong giai đoạn cuối năm.

Tin bài liên quan