Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng phát triển blockchain.

Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng phát triển blockchain.

Blockchain: Con đường chông gai tới mảnh đất màu mỡ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công nghệ chuỗi khối (blockchain) có thể ứng dụng trong hơn 50 lĩnh vực hoạt động kinh tế, dịch vụ khác nhau, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Cần phổ cập blockchain

Những năm gần đây, công nghệ blockchain trên thế giới bùng nổ mạnh mẽ. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo, đến năm 2025, 10% GDP của thế giới có thể sẽ lưu trữ trên blockchain, 81/100 các doanh nghiệp ứng dụng blockchain.

Tại Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là một trong những động lực quan trọng hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu kép trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, công nghệ blockchain đang được tìm cách áp dụng vào nhiều lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục...

Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã triển khai nhiều giải pháp để hướng tới việc công nghệ blockchain được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, blockchain là công nghệ mới tại Việt Nam nên Hiệp hội đang có kế hoạch phổ cập kiến thức tới các doanh nghiệp và người dân. Việc phổ cập blockchain trên các kênh thông tin đại chúng rất quan trọng để người dân hiểu rõ về công nghệ chuỗi khối, chứ không còn chỉ quan niệm đó là tiền ảo.

Ông Huây cho biết thêm, Hiệp hội sẽ bàn với các cơ quan lập pháp của Quốc hội để xây dựng quy định về pháp lý đối với blockchain. Đây là một cách để hỗ trợ và giúp đỡ cho các doanh nghiệp yên tâm ứng dụng blockchain vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nhiều khó khăn, thách thức

Blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó công nghệ blockchain được xếp thứ hai sau AI trong các công nghệ chủ chốt.

Ngân hàng là một trong những ngành đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều nhà băng đi nhanh trong việc sử dụng công nghệ đã bước vào giai đoạn thứ hai của chuyển đổi số là sáng tạo số, với việc tích cực áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), giao diện mở (Open API), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain…

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, công nghệ blockchain đã giải quyết được vấn đề nan giải về lòng tin, tính bảo mật…

Công nghệ blockchain sẽ được đẩy mạnh áp dụng vào nhiều lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics, y tế, giáo dục...

Theo TS. Hùng, hiện tại, blockchain chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài sản số, tiền số, còn trong nông nghiệp, logistics, y tế, giáo dục… chưa được ứng dụng nhiều.

Thực tế, việc phát triển công nghệ blockchain ở Việt Nam đang gặp thách thức do không có nhiều chuyên gia về blockchain, cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm và chưa có hành lang pháp lý cụ thể.

Ông Trần Quang Chiến, nhà sáng lập ONUSChain cho hay, ứng dụng blockchain đòi hỏi những hạ tầng lớn, những chuyên gia giỏi để có thể áp dụng, nên việc tiếp cận công nghệ mới này là không dễ. Không giống như các hệ thống database cũ chỉ cần một máy chủ, công nghệ blockchain cần rất nhiều các mạng lưới về máy chủ, đặc biệt là các bên cùng tham gia để tạo ra một hệ thống.

Bên cạnh đó, việc chưa có khung pháp lý dành cho các doanh nghiệp khi sử dụng blockchain gây khó khăn trong việc làm sao để triển khai sử dụng công nghệ này hiệu quả và minh bạch.

Một số khó khăn khác được ông Nguyễn Giang Nam, CEO của Decom Wings chia sẻ khi triển khai ứng dụng blockchain cho các doanh nghiệp là khả năng thích ứng của doanh nghiệp không cao, phụ thuộc phần lớn vào văn hóa doanh nghiệp cũng như sự quyết tâm của ban lãnh đạo trong quá trình ứng dụng blockchain vào chuyển đổi số mô hình kinh doanh. Trong khi đó, việc triển khai ứng dụng blockchain tốn kém về chi phí và thời gian, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải rất cẩn trọng và kiên trì. Đó là chưa kể, đa số doanh nghiệp kỳ vọng thái quá về “thuốc tiên” blockchain.

“Thực tế, blockchain chỉ là một giải pháp công nghệ, ứng dụng như thế nào cho hiệu quả cần có kinh nghiệm, kiến thức và sự nỗ lực của bộ phận triển khai”, ông Nam nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Chiến cho rằng, để giúp các doanh nghiệp áp dụng công nghệ blockchain một cách chủ động thì cần thiết phải có quá trình giáo dục về công nghệ blockchain cho người dùng, cũng như tổ chức các buổi hội thảo nhằm cập nhật về vấn đề pháp lý.

Để giải quyết bài toán về chi phí, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp đang muốn chuyển đổi số có thể ứng dụng blockchain trong từng phạm vi với ngân sách thí điểm cho những sản phẩm như loyalty (lòng trung thành của khách hàng), hay những ứng dụng như khai thác về blockchain trong private chain (blockchain riêng tư), enterprise chain (blockchain doanh nghiệp).

“Blockchain có lẽ không thật cần thiết cho doanh nghiệp nhỏ, mà cần cho doanh nghiệp lớn. Blockchain không đem lại giá trị cho những quy mô khách hàng nhỏ, mà chỉ làm đắt đỏ thêm. Khi nhìn thấy những hạn chế như vậy của blockchain chắc chắn chúng ta cũng thấy rõ các lợi ích của blockchain”, ông Trung nói.

Về vấn đề luật pháp, vị Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, Hàn Quốc có sự bùng nổ blockchain, luật lệ về blockchain rất tốt, Việt Nam có thể tham khảo.

Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần xây dựng lộ trình, khung khổ phát triển blockchain quốc gia, trong đó xác định rõ khung pháp lý cho tài sản số, đầu tư tài sản số, việc ứng dụng blockchain cho các ngành, lĩnh vực và phát triển nguồn nhân lực blockchain.

Tại chương trình Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức ở trụ sở Báo Đầu tư ngày 28/11/2022 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam với Hiệp hội NFT Hàn Quốc và Công ty TNHH Tin tức NBN (kênh tin tức blockchain số 1 tại Hàn Quốc), mở ra tiềm năng hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là blockchain.

“Sự hợp tác phát triển về công nghệ blockchain giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy, ươm tạo tài sản kỹ thuật số và thế giới siêu dữ liệu ngoài Việt Nam, cũng như Hàn Quốc. Tương lai thị trường tài chính sẽ tiếp tục thay đổi nhờ công nghệ blockchain”, ông Choi Kang Yong, Chủ tịch NBN chia sẻ.

Báo cáo của Grand View Research cho biết, quy mô thị trường công nghệ blockchain toàn cầu năm 2021 ước đạt 5,92 tỷ USD, năm 2022 dự kiến đạt 7,18 tỷ USD, đến năm 2029 tăng lên 163,83 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3%.

Theo báo cáo của MarketsandMarkets, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Trong Top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt thành lập.

Tin bài liên quan