Blockchain và cuộc cách mạng với thị trường bất động sản

Blockchain và cuộc cách mạng với thị trường bất động sản

(ĐTCK) Việc thâm nhập của Blockchain - mô hình công nghệ được mã hóa an toàn vào các ngành công nghiệp trên toàn thế giới chỉ là vấn đề thời gian. Trong đó, ngành công nghiệp bất động sản thương mại truyền thống cũng không nằm ngoài xu hướng.

Lợi ích

Hiểu theo cách đơn giản nhất, Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp. Bằng cách tổng hợp và lưu trữ các giao dịch vào sổ cái bảo mật hoạt động theo cơ chế đồng thuận phân quyền, một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận, thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Giá trị của hệ thống này là khả năng kiểm tra và theo dõi các giao dịch trong thời gian thực mà không cần đơn vị thứ ba nào khác, chẳng hạn như ngân hàng.

Với việc thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các khối trong hệ thống, có thể thấy ngay cả khi một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Ngay cả khi mọi người đều tiếp cận được, thì mọi thông tin về tài sản, đất đai liên quan đến giá cả, vị trí… đều được công khai và kiểm chứng bởi nhiều người. Điều này được xem là cách thức để hạn chế hiện tượng làm giá, đẩy giá trên thị trường bất động sản như hiện nay.

Đồng thời, nếu một giao dịch bất động sản đã được tiến hành, sẽ được lưu lại trên hệ thống và không một ai có thể xóa bỏ dữ liệu này. Như vậy, không chỉ hạn chế được bất cập làm giá, mà công nghệ Blockchain còn giúp loại bỏ hiện tượng một tài sản được rao bán cho nhiều người.

Blockchain và cuộc cách mạng với thị trường bất động sản ảnh 1

Cho tới thời điểm này, danh sách dự án và doanh thu vẫn được thực hiện tương tự như một thế kỷ trước. Các đại lý bất động sản, các dịch vụ niêm yết và các giao dịch thậm chí còn không được số hoá, trong khi các ngành công nghiệp thiết yếu khác đều đã toàn cầu hóa và công khai hóa. Điều này có nghĩa, lợi nhuận truyền thống và các cấu trúc truy cập vẫn còn được sử dụng. Theo đó, hệ thống phi tập trung có các quỹ và cơ quan không cần thiết từ người mua và người bán cũng như đại lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, nếu áp dụng Blockchain sẽ có một nền tảng để người mua, người bán, đại lý và công ty có thể liệt kê và hoàn thành các giao dịch bất động sản ở mức toàn cầu, mà không gặp phải những rắc rối truyền thống. Bằng cách loại bỏ cấu trúc tập trung, công nghệ Blockchain tạo ra một hệ thống cho phép các đại lý, người bán và các công ty liệt kê các tài sản và giao dịch bất động sản mà không có sự can thiệp về chi phí hay quyền kiểm soát của hội đồng địa phương.

Ngoài ra, không giống như các hệ thống niêm yết truyền thống, vì toàn bộ cơ sở dữ liệu được phân quyền, danh sách có thể được truy cập bởi bất kỳ ai trên nền tảng mà không cần thanh toán hoặc hạn chế. Người mua có thể thu được dữ liệu tốt hơn, gần như bằng thời gian thực qua đăng ký và đóng vòng lặp cho một hệ thống hiệu quả.

Hiểu theo cách đơn giản, đó là một bản ghi chép được chia sẻ của các giao dịch. Ai cũng có thể giữ một bản sao của sổ kế toán và bất cứ ai cũng có thể đọc. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các phiên bản Blockchain trên toàn thế giới. Một phương pháp khóa được sử dụng để ngăn sự can thiệp từ một bên đơn lẻ - giúp nâng cao mục tiêu bảo mật của hệ thống này.

Nhưng chưa thể áp dụng được ngay

Nếu công nghệ này có thể tăng tính thanh khoản và giảm các chi phí, thì sẽ có thể loại bỏ được một số rào cản đáng kể cho nhà đầu tư. Công nghệ sẽ giúp hợp nhất tài sản trực tiếp và thu thập dữ liệu nguồn gốc tài sản rõ ràng. Chính vì vậy, công nghệ Blockchain cũng sẽ làm giảm những điểm nghẽn của đầu tư bất động sản.

Mặc dù Blockchain đang mang lại nhiều lợi ích cho ngành bất động sản, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lo ngại về tính bảo mật của hệ thống này. Theo đó, Blockchain đang dần xuất hiện, nhưng vẫn chưa có sự đột phá lớn nào. Cần lưu ý thêm rằng, sẽ luôn luôn tồn tại những nghi ngại về tính bảo mật và tính khả thi của việc ứng dụng Blockchain. Ngay đến cả đơn vị tiền ảo như Ethereum - một ứng dụng từ công nghệ Blockchain, cũng bị hack mất 64 triệu USD vào năm 2016, dẫn đến cuộc điều tra quy mô lớn và các vi phạm vẫn sẽ có xu hướng tiếp diễn.

Vào tháng 8/2017, nhà nghiên cứu tại viện công nghệ Massachusetts (MIT) kiểm tra mã đằng sau đồng tiền ảo IOTA, đồng tiền xếp hạng thứ 8 về mức độ phổ biến trên thế giới và đã nhanh chóng tìm thấy một lỗ hổng bảo mật cơ bản và cảnh báo các nhà đầu tư. Vào thời điểm đó, IOTA đã có một thị trường vốn hóa khoảng 2 tỷ USD, nhưng không ai trong số các nhà đầu tư cũng như đối tác công nghệ, bao gồm một số lượng lớn “gã khổng lồ” từ thung lũng Silicon, đủ kiên nhẫn sử dụng mã đó.

Ngay kể cả việc có sự đột phá, thì hiện nay đa phần người dân vẫn chưa thấu hiểu hoàn toàn về công nghệ Blockchain là gì, cũng như việc đồng hóa khái niệm giữa Blockchain và tiền ảo, dẫn đến việc hiểu lầm khi áp dụng công nghệ này trong thực tế cũng như việc xây dựng khung pháp lý quanh nền tảng công nghệ mới này tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn “Phát triển Blockchain để xây dựng Chính phủ điện tử” diễn ra vào sáng ngày 14/6/2018, nhiều chuyên gia cho biết, Blockchain thể hiện tính đầy triển vọng và ngày càng lôi kéo chính phủ nhập cuộc, nhiều cuộc thảo luận đã được tiến hành nhằm đưa ra một cái nhìn đúng đắn về nền tảng công nghệ có khả năng “thay đổi nền kinh tế toàn cầu”. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đưa blockchain và hậu duệ của công nghệ này - tiền điện tử lên bàn đàm phán sôi nổi.

Dẫu vậy, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cần có sự nghiên cứu thấu đáo mới có thể ứng dụng tốt công nghệ Blockchain vào thực tiễn. Dưới góc độ là cơ quan quản lý trong một lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn, ông Dũng khẳng định, những cơ quan lập pháp, bộ ngành có liên quan đều có sự tìm hiểu và nghiên cứu riêng về những công nghệ mới. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, hai thứ cần thay đổi khi ứng dụng Blockchain là quy trình nghiệp vụ và mô hình tổ chức, nhân sự. Nếu chỉ tập trung vào công nghệ sẽ rất khó triển khai.

Dưới góc nhìn cởi mở hơn, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì cho rằng, Bộ đã tham gia rất nhiều để hỗ trợ Blockchain. Tuy nhiên, khi trả lời ý kiến của các doanh nghiệp, ông Khả cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch rà soát lại luật pháp về công nghệ thông tin và thấy rằng cần có cách tiếp cận phù hợp hơn. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, mọi bước đi cần tính toán cẩn trọng.

Điều này cho thấy, từ các tổ chức nghiên cứu uy tín, họ vẫn có những quan ngại nhất định về Blockchain. Vì thế, chúng ta cần đánh giá sáng suốt, giảm bớt hạn chế, tránh tác động không tốt tới xã hội. Và quá trình từ mong muốn đến hiện thực sẽ là cả một quá trình dài.

Trịnh Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/ Founder Cộng đồng King Broker Việt Nam/ Co - Founder Batdongsan.vn

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan