Bloomberg: VN-Index sẽ đạt 603 điểm cuối năm nay

Bloomberg: VN-Index sẽ đạt 603 điểm cuối năm nay

(ĐTCK) Chỉ số chứng khoán của Việt Nam, chỉ số tăng trưởng tốt nhất châu Á kể từ đầu năm 2014, đang sẵn sàng mở rộng đà tăng của mình khi tăng trưởng kinh tế cải thiện và Chính phủ nới lỏng giới hạn tỷ lệ vốn nước ngoài tại một số doanh nghiệp trong nước, một cuộc khảo sát của Bloomberg cho biết.

Chỉ số VN-Index, chỉ số chính của TTCK Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 8% trong thời gian còn lại của năm 2014 và sẽ đạt tới 603 điểm vào cuối năm. Đó là ước tính bình quân của 10 nhà phân tích trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. VN-Index đã tăng 11% kể từ đầu năm, chỉ chịu thua mỗi chỉ số chứng khoán Dubai, một trong 50 TTCK lớn nhất thế giới, trong khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 2,8% trong cùng thời gian này.

Chính phủ Việt Nam cho biết, nền kinh tế năm nay sẽ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011 khi xuất khẩu nhảy vọt và Nhà nước mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bơm ròng 263 triệu USD vào các cổ phiếu của Việt Nam trong năm qua, khi khẩu vị của các nhà đầu tư chuyển về các thị trường kém phát triển nhất và các nhà phân tích dự báo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cho các nhà đầu tư nước ngoài thêm dư phần nắm giữ cổ phiếu của các công ty Việt Nam.

“Chúng tôi rất lạc quan vào năm nay, khi môi trường kinh tế vĩ mô trở nên rất ổn định, với rất nhiều tiềm năng sẽ được phát huy”, bà Trần Thị Kim Cương, Giám đốc Công ty quản lý Quỹ Manulife Việt Nam trả lời phỏng vấn qua điện thoại. Bà Cương dự đoán, VN-Index sẽ đạt 605 điểm vào tháng 12 tới.

Định giá thấp

Các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đang rẻ tương đối so với các cổ phiếu trong khu vực, thậm chí cả sau khi đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay. VN-Index hiện có mức P/E ước khoảng 12 lần, thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Lợi nhuận của các công ty trong chỉ số này được dự đoán sẽ tăng 20% trong vòng 12 tháng tới, so với mức 17% của Chỉ số MSCI Frontier Markets Index (chỉ số chung cho các thị trường biên), theo ước tính của các nhà phân tích do Bloomberg khảo sát.

Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy các dấu hiệu cải thiện về sức khỏe. Chính phủ Việt Nam dự báo, GDP của nước này sẽ tăng 5,8% trong năm nay, so với mức tăng 5,42% của năm ngoái và 5,25% của năm 2012.

Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 15% trong năm 2013 và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng 10% lên 11,5 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 8 lần cắt lãi suất cơ bản kể từ đầu năm 2012. Lạm phát đã giảm còn 5,45% trong tháng 1/2014 từ mức 23% của tháng 8/2011.

Triển vọng tích cực

“Ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp, trong khi mức định giá thấp, đang khiến TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn”, Michel Tosto, Trưởng phòng khách hàng tổ chức của CTCK Bản Việt, công ty có thị phần môi giới lớn thứ ba Việt Nam, nói. “Chúng tôi đang rất lạc quan”, Tosto nói và dự đoán VN-Index sẽ đạt 620 điểm vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, thanh khoản thấp là điều khiến một số nhà đầu tư e ngại khi mua cổ phiếu của Việt Nam. Khối lượng giao dịch bình quân trên Sở GDCK TP. HCM tính từ đầu năm 2014 đến ngày 24/1 là khoảng 1,09 nghìn tỷ đồng, tương đương 52 triệu USD, theo tổng hợp của Bloomberg. Trong khi, cùng thời gian, con số của Sở GDCK Thượng Hải của Trung Quốc là 15 tỷ USD.

“Đó là một TTCK rất nhỏ với không nhiều công ty niêm yết”. Christopher Wong, Quản lý đầu tư cao cấp của Aberdeen Asset Management Asia Ltd ở Singapore nói.

Trong khi sự phục hồi của kinh tế Việt Nam đã khiến Fitch Ratings nâng triển vọng của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực” hôm 23/1, công ty xếp hạng tín nhiệm này lưu ý rằng, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn còn những nhân tố yếu kém.

Nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng thương mại Việt Nam là 3,79% vào cuối năm 2013, ông Lê Đức Thọ, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết hôm 21/1/2014. Trong khi đó, con số ước tính của NHNN là 7,8%. Tỷ lệ nợ xấu trên thực tế có thể dao động từ 10% đến 20%, theo ước tính của các thành viên thị trường và các công ty xếp hạng tín nhiệm.

Sở hữu nước ngoài

“Hệ thống ngân hàng được lành mạnh hóa sẽ là chất xúc tác cho thị trường trong năm 2014”, Michael Kokalari, một nhà phân tích của CIMB Securities International Ltd. viết trong một báo cáo tháng này.

Chỉ số VN-Index sẽ tăng mạnh nếu Chính phủ Việt Nam tuyên bố nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, Kevin Snowball, Giám đốc điều hành của PXP Vietnam Asset Management ở TP. HCM nói.

Tin bài liên quan