Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Dự án IPS-C mở cổng nhận hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
5.000 là số lượng doanh nghiệp tối thiểu Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân (IPS-C) sẽ hỗ trợ, gồm cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tiên phong.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Tọa đàm Hỗ trợ tăng cường khu vực tư nhân

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Tọa đàm Hỗ trợ tăng cường khu vực tư nhân

Thông tin vừa được ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong buổi làm việc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp về hỗ trợ tăng cường khu vực tư nhân. Cuộc tọa đàm diễn ra trực tiếp tại TP.HCM và theo hình thức trực tuyến.

“Trong số các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ nước ngoài ở Việt Nam, Dự án IPS-C có tính chất tổng thể nhất, quy mô lớn nhất và bao trùm nhất cho mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.

Dự án IPS-C không chỉ tập trung vào tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, bao gồm cả doanh nghiệp do nữ và các đối tượng yếu thế làm chủ; hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề nội tại về quản lý, con người, thị trường, công nghệ, tài chính..., mà còn hỗ trợ các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, để mở rộng hoạt động hỗ trợ, tăng cường tính liên kết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tiên phong, có sản phẩm có giá trị Việt cũng là đối tượng được hỗ trợ.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Trung nói, dù nguồn lực của Dự án IPS-C sẽ không thể đảm bảo để hỗ trợ tăng cường năng lực trực tiếp cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nhưng với quy mô về số lượng doanh nghiệp mà Dự án dự kiến sẽ tiếp cận để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tối thiểu là 5.000 doanh nghiệp được tăng cường năng lực, 60 doanh nghiệp tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra thị trường khu vực và quốc tế thành công sẽ tạo tác động lan toả tới cộng đồng doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Trung đã nhắc đến 5 hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, các yếu tố cản trở năng lực cạnh tranh của khu vực này.

Thứ nhất, quy mô còn quá nhỏ bé, có xu hướng “li ti hoá”, thiếu vắng lực lượng có vai trò tiên phong dẫn dắt. Hiện chỉ có khoảng 4% tổng số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, còn lại 96% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Thứ hai, đa số khu vực kinh tế tư nhân có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực còn nhỏ bé cả về lượng và chất. Tư duy kinh doanh manh mún, ngắn hạn còn khá bổ biến, thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Thứ ba, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế.

Theo số liệu thống kê, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.

Hiện tại, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công 01 bằng sáng chế trong vòng 3 năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%)…

Thứ năm, tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Rõ ràng, khu vực tư nhân của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để đóng góp nhiều hơn nữa và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng và đủ năng lực để đổi mới, nhận biết và nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời, các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đầu tư những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.

“Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã và đang nỗ lực tham mưu cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ ban hành và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà còn tích cực chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế như USAID để có thể cung cấp được những hỗ trợ kỹ thuật mang tính thực tiễn cao thông qua những chương trình, dự án với mục tiêu và phương pháp tiếp cận đi từ vấn đề nội tại của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp khu vực tư nhân làm trung tâm”, ông Trung nói.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng hợp phần 4 của Dự án cho biết, thời gian đăng ký đợt 1 chỉ còn 1 tháng, rất mong muốn các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp quan tâm, đăng ký tham gia.

Thời gian đăng ký:

Đợt 1: 18/1/2022=31/3/2022

Đợt 2 1/5-30/6/2022

Đợt 15/8-15/10/2022

+ Đối tượng: doanh nghiệp quy mô không quá 500 lao động, doanh thu tăng trưởng 2 năm liên tiếp trong giai đoạn 2017-2021; hoạt động trong các ngành ưu tiên nông nghiệp, công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ

Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp

+ Gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp tiên phong, có sản phẩm giá trị Việt sẽ được thiết kế riêng theo yêu cầu của từng doanh nghiệp tham gia. Thời gian hỗ trợ là 2 năm. Thời gian đăng ký đợt 1 là đến hết ngày 31/3/2022; đợt 2 là từ 1/7-15/8/2022

Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân

Đơn vị chủ quản: Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đơn vị tài trợ: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID)

Thời gian: 5 năm (12/2021-12/2025)

Tổng kinh phí: 36,3 triệu USD

Đối tượng thụ hưởng: Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng; doanh nghiệp tiên phong, các tổ chức hỗ trợ phát triển kinh doanh

Mục tiêu: Hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 10% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp kém thuận lợi; Hỗ trợ 24 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tham gia thị trường khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Made by Viet Nam, xuất khẩu thành công ra thị trường khu vực và quốc tế;

Tham gia, hỗ trợ 30 văn bản, chính sách, quy phạm và quy định sửa đổi hoặc thực hiện

Hỗ trợ 30 tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp

Tin bài liên quan