Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên giải trình.

Bộ trưởng Tài chính đề nghị cân nhắc giảm số lượng đầu mối xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là những thương nhân phân phối không kho dự trữ, không vốn, không cửa hàng. Theo Bộ trưởng Tài chính, đây là hệ lụy của việc có quá nhiều thương nhân phân phối xăng dầu hiện nay.

Tại “Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 28/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận đang tồn tại một số hạn chế trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Một trong số các hạn chế đó là số lượng thương nhân đầu mối và phân phối hiện đang quá nhiều.

"Việt Nam hiện có 34 thương nhân đầu mối, trong khi Nhật Bản hiện có 5, Trung Quốc là 4", ông Phớc thông tin.

Dẫn quy định hiện tại về việc cho phép thương nhân đầu mối đi thuê kho, ông Phớc nói rằng: "Thương nhân đầu mối thì phải có kho, còn đi thuê kho sẽ không chủ động trong nhập khẩu".

Người đứng đầu ngành Tài chính đề nghị siết lại quy định thương nhân đầu mối được đi thuê kho chứa và cân nhắc việc giảm số lượng đầu mối, ví dụ giảm từ 34 xuống còn 10 đơn vị.

Số lượng thương nhân phân phối hiện có khoảng 332, theo Bộ trưởng Tài chính, cũng là quá nhiều. Ông Phớc cho rằng, nếu quá nhiều khâu trung gian sẽ làm phát sinh thêm chi phí và giá sẽ cao lên. Thậm chí, có thương nhân phân phối "ba không", tức là: không kho, không vốn và không cửa hàng.

Toàn cảnh phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu sáng 28/2.

Toàn cảnh phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu sáng 28/2.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương về việc góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu và việc gửi báo cáo này “không được để chậm trễ”.

Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với gần 9.000 cửa hàng trên cả nước đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị điều chỉnh một số quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.

Đơn kiến nghị khẩn cấp nêu lên một loạt quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95 như: thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, (nhà cung cấp) tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh.

Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận.

Trong khi đó, thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ nên có nhiều lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp bán lẻ: được hưởng quá nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng từ nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng, chủ động cắt chiết khấu cho khách hàng...

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói rằng, không chỉ với ngành xăng dầu mà bất cứ ngành hàng nào có quá nhiều khâu trung gian thì đều ảnh hưởng đến giá bán ra, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

"Thị trường xăng dầu muốn bình ổn, phải giảm được đầu mối nhập khẩu bán buôn, phân phối. Ở các nước chỉ có 5 đầu mối bán buôn nhưng Việt Nam có tới 34 đầu mối, sau đó lại phân phối qua hơn 300 thương nhân phân phối, rồi đại lý tổng, rồi mới đến hệ thống bán lẻ. Tôi đề nghị cắt bỏ bớt khâu trung gian này", ông Phú nhấn mạnh.

Theo Bộ Công thương, cả nước hiện có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay, 1 doanh nghiệp đang tạm thời bị tước giấy phép, như vậy còn 33 đơn vị.

Tiếp đó là 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu, phân phối đến hệ thống bán lẻ khoảng gần 17.000 cửa hàng.

Trong một thông cáo báo chí phát đi trước đây, Bộ Công thương cho rằng "... hầu hết các nước trong khu vực không quy định về việc hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường xăng dầu (chưa kể một số nước khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này) nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu. Việc quản lý Nhà nước chủ yếu tập trung vào vấn đề kiểm soát chất lượng, dự trữ bảo đảm an ninh năng lượng, tính an toàn trong kinh doanh và bảo vệ môi trường".

Tin bài liên quan