“Bốc hơi” lợi nhuận vì các khoản công nợ

“Bốc hơi” lợi nhuận vì các khoản công nợ

0:00 / 0:00
0:00
Các khoản phải thu đối tác bị chậm thanh toán tác động tiêu cực đến dòng tiền, làm “bốc hơi” lợi nhuận và tác động lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhức nhối công nợ

“Đứng cho vay, quỳ thu nợ” không phải nỗi ám ảnh riêng của các ngân hàng thương mại. Câu chuyện nóng lên trong những ngày nửa đầu tháng 3 vừa qua là việc 7 doanh nghiệp nhà thầu phụ đang thi công tại các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu cùng ký vào văn bản đề nghị thanh toán công nợ, nếu không sẽ dừng thi công.

Công nợ giữa các doanh nghiệp đối tác, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản, là điều cố hữu. Tuy nhiên, tình hình thị trường khó khăn đã khiến các khoản chiếm dụng vốn đối tác tăng mạnh hơn, kéo dài hơn nửa năm trở lại đây.

Thống kê tại các doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán, các khoản phải thu ngắn và dài hạn tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng 25% so với thời điểm đầu năm. Ở một số doanh nghiệp, các khoản công nợ đối tác còn có thể đến từ hoạt động cho vay, đặt cọc, ký cược.

Cùng với sự dềnh lên của nhóm tài sản này, tỷ trọng phải thu trong cơ cấu tài sản cũng tăng mạnh. Hiện bình quân cứ mỗi 100 đồng tài sản có khoảng 19 đồng đang nằm trong các khoản phải thu. Cuối năm 2021, tỷ lệ này chỉ là 16,89%.

Tính riêng ở nhóm xây dựng hay các doanh nghiệp trong chuỗi thi công công trình bất động sản, khoản phải thu chiếm 40 - 70% tài sản. Con số này tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lên tới 71,5%.

Biến hóa kết quả lợi nhuận

Từ nửa năm trước, đã xuất hiện nhiều trường hợp đối tác không trả nợ đúng hạn, dù doanh nghiệp chủ động nới thời gian thanh toán từ 45 ngày lên 90 ngày.

Công văn của 7 nhà thầu phụ đang thi công tại các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình làm tổng thầu thực chất chỉ là “giọt nước tràn ly” sau thời gian dài tổng thầu không đưa ra kế hoạch thanh toán, còn bản thân nhà thầu phụ đã “hết cửa” xoay xở dòng tiền.

Tăng vay nợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp là nguyên nhân khiến vòng quay tiền chậm lại, khi một lượng vốn lớn chôn chân tại các khoản phải thu đối tác.

Năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình âm 845 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư cũng thâm hụt lớn do các hoạt động đầu tư tài sản cố định, chi góp vốn. Dòng tiền tài chính từ việc tăng vay nợ ngân hàng, phát hành trái phiếu là trợ lực của doanh nghiệp xây dựng này trong suốt năm qua.

Nhưng, đây không phải nguồn tiền “miễn phí”. Chi phí lãi vay năm 2022 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là 521 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2021, mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Khoảng 6% trong các khoản phải trả đối tác còn là thư tín dụng trả chậm thanh toán ngay (L/C). Các khoản vốn quá hạn L/C cũng khiến Công ty phải bỏ phí cho giải pháp tài chính này.

Ngoài làm giảm lợi nhuận do tăng lãi vay khi doanh nghiệp phải xoay sang nguồn vốn khác thay thế, các khoản phải thu còn trực tiếp tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh trong trường hợp phải thu quá hạn và chuyển sang trạng thái “khó đòi”.

Kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PVPower NT2) là một trường hợp đáng chú ý trong quý IV/2022 khi lợi nhuận dao động mạnh vì khoản phải thu. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2022 của PVPower NT2 tăng gấp 28 lần, từ 5,7 tỷ đồng lên đến gần 160 tỷ đồng, sau khi các cấp có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu các bên liên quan thống nhất phương án xử lý một khoản công nợ giữa doanh nghiệp này và Công ty Mua bán Điện.

Trong khi đó, chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tăng gần 360 tỷ đồng trong riêng quý IV/2022, qua đó nâng tổng mức dự phòng lên 774 tỷ đồng, tương đương 6% khoản phải thu tại thời điểm cuối năm 2022. Cùng với khoản lỗ gộp do kinh doanh dưới giá vốn, dự phòng phải thu là nguyên nhân chính khiến Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2022.

Trong khi ngân hàng có danh mục cho vay lớn và có thể đa dạng hóa để giảm thiểu rủi ro, các doanh nghiệp sản xuất lại là “tay ngang” trong nghiệp vụ “buôn tiền”. Khoản phải thu của một đối tác lớn gặp vấn đề có thể làm “bốc hơi” một lượng lớn lợi nhuận. Mỗi một đơn hàng khi nhận về đều là lần đặt cược của chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp chỉ thắng cược khi tiền thực về.

Tin bài liên quan