Bức tường trắng cho con

Bức tường trắng cho con

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tường trắng ngày nào giờ nguệch ngoạc nét bút chì màu của cô bé mới qua tuổi thứ 3, ẩn chứa cả một bầu trời tuổi thơ.

1. Khi quyết định về chung một nhà, tôi nói với anh ngôi nhà của mình sau này sẽ trở thành nơi mà sự sáng tạo của các con luôn được khuyến khích, trân trọng. Điều này đồng nghĩa với việc bọn trẻ không bị cấm vẽ, viết lên tường, thậm chí đôi khi còn khuyến khích con vẽ nhiều hơn. Bởi tôi nghĩ qua những nét vẽ nguệch ngoạc của con trẻ, chúng tôi có thể khám phá thế giới tưởng tượng cũng như những xúc cảm của con mình. Nhiều khi phải qua nét vẽ, những bức tranh, đứa trẻ mới bộc lộ được suy nghĩ của mình, cũng như có cơ hội để kể với bố mẹ chúng. Tất cả những điều này tôi đúc rút được từ trải nghiệm của chính mình.

Bố tôi xuất thân từ một người lính nhưng chưa bao giờ ông gò bó hai chị em tôi trong một khuôn khổ cứng nhắc, thậm chí ông cũng không đánh mắng mỗi khi tôi nghịch ngợm, thử nghiệm những trò mà ông hay gọi là “quái chiêu”. Thay vào đó, ông chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, định hướng lại và tạo không gian cho tôi thỏa sức tưởng tượng, tư duy và sáng tạo.

Tôi vẫn nhớ như in lời ông nói: “Trí tưởng tượng của con người không phải do bẩm sinh, mà nó là kết quả của quá trình nuôi dưỡng và kích thích”. Có lẽ bố hiểu rằng, với những đứa trẻ vùng cao không được may mắn sống trong điều kiện đầy đủ tiện nghi như chúng tôi, những “quái chiêu” ở góc độ nào đó là cách phát triển sự sáng tạo và trí thông minh.

Tất nhiên, ông cũng có những quy định riêng, chỉ cho phép chúng tôi nghịch ngợm trong giới hạn cho phép. Ông cũng sẵn sàng tặng thưởng những cuốn truyện hay, hay những cây bút, quyển vở khi những thứ “quái chiêu” đó thực sự hấp dẫn, thú vị.

Và khi lần đầu tiên cô con gái nhỏ nguệch ngoạc những nét vẽ lên bức tường trắng ngay phòng khách, tôi mới hiểu và cảm nhận được sự trăn trở của bố hồi tôi còn bé, hiểu về những đặc quyền mà những đứa trẻ nên có nếu muốn chúng phát triển trí thông minh, sáng tạo một cách tối đa.

2. Thực sự có rất nhiều ý tưởng bị những quy tắc gia đình, những lo lắng thái quá và đôi khi là suy nghĩ bảo thủ của bố mẹ làm thui chột khi mới khơi mầm. Thi thoảng, tôi vẫn nghe được những lời khuyên hữu ích từ đồng nghiệp về việc phải nuôi con như thế nào, dạy con ra sao để bé vừa ngoan ngoãn, vừa học giỏi, vừa năng động vừa sáng tạo. Thế nhưng, sau đó lại là những lời phàn nàn khi con cái không nghe lời.

Cảm giác những đứa trẻ chỉ mới vừa có cơ hội chạm tay vào thế giới thì đã lập tức nghe những tiếng nạt nộ, hò hét, nhắc nhở: “Bẩn! Nghịch quá! Thôi ngay đi!”...

Mấy ai biết được rằng một kiến trúc sư tài ba rất có thể được khơi nguồn cảm hứng từ trò chơi xây nhà trên bãi cát thời thơ ấu. Mấy ai tưởng tượng được rằng một vận động viên thể thao xuất sắc có thể bắt đầu từ những trò leo trèo quanh nhà…, hay một nhà phát minh đại tài từng là một đứa hiếu động, thích phá tung đồ chơi, thiết bị điện tử trong nhà rồi mày mò ráp lại… Và khi tham gia vào thị trường tài chính, chẳng phải ta từng nói với nhau rằng đầu tư là những “trò chơi” cảm giác mạnh, đòi hỏi đôi chút mạo hiểm và thật nhiều bản lĩnh đó sao!

Tôi không cổ xúy cho việc để trẻ con vượt qua tầm kiểm soát bởi nhận thức của chúng như những tờ giấy trắng và nếu không ai nói cho chúng thế nào là đúng, thế nào là sai thì sẽ tạo ra những hệ lụy về tư duy sai lệch rất lớn cho cuộc đời sau này của chúng. Nhưng quả thực, với tôi, mọi thứ xung quanh, bầu trời, áng mây, chiếc lá cây nhiều hình dạng và bức tường trắng là nơi chứa muôn vàn điều thú vị, là nơi trẻ con tìm hiểu, khám phá và bộc lộ trí tưởng tượng của mình, rồi sẽ học được nhiều bài học về cuộc sống.

Như bức tường ở ngôi nhà nhỏ của chúng tôi vẫn luôn có khu vực giới hạn cháu không được vẽ và mỗi lần thể hiện một bức tranh nào đó, tôi đều sẽ hỏi con đây là cái gì để ngẫm nghĩ và có thể uốn nắn con cách vẽ những hình thù theo đúng cách tưởng tượng của cô bé.

Dần dần, những bức tranh cũng rõ nét hơn, con mèo đã giống con mèo hơn, ngôi nhà đã giống ngôi nhà hơn, con cá sấu cũng có những chiếc răng dữ tợn của nó. Hay tư duy về sự lớn nhỏ của bé cũng ngày càng rõ nét hơn, với hình người lớn nhất là bố, người lớn nhì là mẹ và hình bé nhất là con.

Và điều tất nhiên, khi bé vẽ xong, ngoài việc phải cất gọn gàng, ngăn nắp các loại bút màu thì nếu vẽ đẹp và có câu chuyện hay, tôi sẽ mua tặng con món đồ yêu thích vào những dịp đặc biệt.

3. Ai cũng mong muốn con mình lớn lên sẽ trở thành một người tài giỏi, thành công, nhưng lại luôn có mâu thuẫn lớn giữa mong muốn và hiện thực trong việc dạy dỗ con cái. Bản thân tôi cũng không tránh khỏi những lúc căng thẳng về việc con vẽ nguệch ngoạc lên tường. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, điều bố mẹ nên làm khi con làm điều gì đó “quái chiêu” là phải hiểu được ngôn ngữ, tư duy của trẻ, giúp con lên kế hoạch rõ ràng thực hiện một ý tưởng nào đó, để nuôi dưỡng sự tự tin, tự do sáng tạo, khám phá thế giới xung quanh của trẻ.

Để một con người trưởng thành, có đủ năng lực kiến tạo cuộc sống thì khi còn bé họ phải được vun trồng một đời sống tinh thần tốt đẹp, có ước mơ, hoài bão, có khả năng thích nghi và sáng tạo cao. Người lớn đừng nhân danh bề trên mà áp đặt suy nghĩ, việc làm của con trẻ để thui chột những khả năng đó.

Một mối nguy lớn nhất đe dọa trẻ nhỏ hiện nay là sự “cơ giới hóa” tinh thần, “cơ học hóa” tính cách khi quay cuồng trong việc học, từ học chính khóa tới học thêm và khi rảnh rỗi thì chỉ làm bạn với các thiết bị điện tử. Những đứa trẻ của hiện tại cần rất nhiều thứ, trong đó có tình yêu thương từ bố mẹ, gia đình, sự chia sẻ với bạn bè, sự tôn trọng của xã hội. Đặc biệt, trẻ em cần những ước mơ đẹp và cần được mọi người tôn trọng và khuyến khích ước mơ đó.

Và với tôi, tường nhà có thể sơn mới, tiền bạc thiệt hại có thể kiếm lại, nhưng sở thích và tính sáng tạo của trẻ một khi đã bị dập tắt thì có thể sẽ không bao giờ bùng cháy được nữa.

Tin bài liên quan