Bước đột phá chống đô-la hóa nền kinh tế

Bước đột phá chống đô-la hóa nền kinh tế

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rất quyết liệt giải quyết tình trạng đô-la hóa bằng việc chuyển quan hệ vay - mượn sang mua - bán ngoại tệ. Các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra mức độ đô-la hóa ở Việt Nam có xu hướng giảm khá nhanh trong thời gian gần đây.

Chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chủ trương của NHNN là sẽ tiến tới chấm dứt cho vay vốn bằng ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua bán, nhằm đẩy mạnh tình trạng chống đô-la hóa trong nền kinh tế và ổn định thị trường ngoại tệ.

Chủ trương này đã được cụ thể hóa tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú).

Theo đó, kể từ 1/10/2019, các ngân hàng thương mại không còn được cho vay ngoại tệ trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Các tổ chức tín dụng chỉ được xem xét quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ trong một số trường hợp: thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay; doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi các doanh nghiệp này không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay; đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Tuy nhiên, khi được tổ chức tín dụng giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán lại số ngoại tệ vay đó cho chính tổ chức tín dụng cho vay theo hình thức giao dịch giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ; cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Tỷ giá trong năm qua được kiểm soát ổn định nên không còn cơ hội đầu cơ, kể cả với doanh nghiệp và ngân hàng. Nếu “găm” ngoại tệ sẽ bị lỗ ngay khi NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm thường xuyên.

- Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Với lộ trình trên, nhà điều hành hướng đến việc giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, để chậm nhất đến năm 2030, cơ bản khắc phục tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế. Động thái siết tín dụng ngoại tệ sẽ giúp tỷ giá USD ổn định, doanh nghiệp và thị trường không còn tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, từ đó giảm rủi ro liên quan đến tỷ giá.

“Tỷ giá trong năm qua được kiểm soát ổn định nên không còn cơ hội đầu cơ, kể cả với doanh nghiệp và ngân hàng. Nếu “găm” ngoại tệ sẽ bị lỗ ngay khi NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm thường xuyên”, ông Tú nhấn mạnh.

Nhìn lại giai đoạn trước, khi hoạt động cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại chưa bị siết lại, nhiều khách hàng vẫn vay ngoại tệ với lãi suất chỉ bằng một nửa lãi suất vay VND. Thông thường, các doanh nghiệp nhập khẩu không chủ động được nguồn thu ngoại tệ, nên đến khi đáo hạn, tỷ giá tăng cao sẽ phải mua USD của ngân hàng với giá cao để trả nợ. Về vĩ mô, trong bối cảnh huy động USD thấp, việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ mạnh có thể tạo áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm.

Theo phân tích của các chuyên gia ngành tài chính, việc NHNN thu hẹp dần các nhu cầu vay ngoại tệ là cần thiết, chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, tiến đến chấm dứt cho vay ngoại tệ về cơ bản sẽ giúp giảm thiểu tối đa tình trạng méo mó của thị trường ngoại hối.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cho rằng, với quy định tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN, doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ hoàn toàn có hướng giải quyết, đó là vay bằng tiền đồng, sau đó mua ngoại tệ để thanh toán. Các ngân hàng có thể tư vấn các giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp thực hiện điều này một cách hiệu quả về chi phí.

Kiên định với mục tiêu

Không chỉ kiên định trong việc siết dần cho vay vốn bằng ngoại tệ, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất huy động bằng USD ở mức 0% trong nhiều năm qua, trong khi lãi suất huy động tiền đồng vẫn ở mức 5 - 7,5%/năm. Cùng với đó, tỷ giá cũng được NHNN kiểm soát trong biên độ ổn định những năm qua. Trước thực tế này, nhiều dân đã giảm găm giữ ngoại tệ, chuyển sang nắm giữ VND để hưởng lãi tiết kiệm cao.

Theo lãnh đạo NHNN, chủ trương dừng cho vay ngoại tệ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế đã được đưa ra từ cách đây 5 - 7 năm. Tuy nhiên, thời gian qua, do tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có tính chất đặc thù nên NHNN đã giãn, lùi thời hạn thực hiện.

“Đây không phải là chính sách đột ngột đối với doanh nghiệp, mà hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp nhận những chính sách này một cách hết sức chủ động, nên không ảnh hưởng đến kế hoạch vay ngoại tệ của doanh nghiệp”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

NHNN đã cấp phép cho nhiều tổ chức tín dụng được mua bán ngoại tệ, điều này cho phép triển khai chính sách kết thúc cho vay bằng ngoại tệ để chuyển sang quan hệ mua bán. Hiện trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế bảo đảm cân đối, các ngân hàng thương mại sẵn sàng mua ngoại tệ của doanh nghiệp và bán ngoại tệ cho doanh nghiệp khi cần thiết.

“Các tổ chức tín dụng được phép mua bán ngoại tệ, cùng với quỹ dự trữ ngoại hối khoảng 70 tỷ USD thì việc kết thúc cho vay ngoại tệ và chuyển sang quan hệ mua bán thời điểm này là hợp lý”, ông Tú nhấn mạnh.

Nhìn nhận về việc NHNN siết cho vay ngoại tệ, chuyển dần từ quan hệ cho vay sang quan hệ mua bán, chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, đây là động thái tích cực của NHNN trong bối cảnh tỷ giá ngoại tệ đang biến động mạnh và có nhiều rủi ro do những tác động của chính trường thế giới.

Trước diễn biến dịch bệnhCovid-19, giới phân tích tài chính cho rằng, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang trong xu hướng vừa hạ lãi suất vừa phá giá tiền đồng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, do đó, rất khó để dự báo về diễn biến tỷ giá USD. Thay vì vay USD của ngân hàng có thể chịu rủi ro biến động tỷ giá lớn, doanh nghiệp vay bằng VND sau đó chuyển VND sang USD để trả nợ cho các lô hàng nhập khẩu sẽ có lợi hơn. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu cứ tiếp tục vay USD sẽ làm méo mó nhu cầu về vốn, khiến Nhà nước khó kiểm soát chính sách tiền tệ, đồng thời, làm tăng tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, làm giảm giá trị của VND.

Tuy vậy, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc siết tín dụng ngoại tệ như trên chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vì thế, về lâu dài, việc này đòi hỏi cần có thị trường mua bán ngoại tệ thông thoáng hơn, thanh khoản tốt hơn, để mỗi khi cần ngoại tệ, doanh nghiệp dễ dàng mua vào.

Tin bài liên quan