Bưu chính tăng trưởng trong bất ổn

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng nhẹ so với năm 2022, nhưng ngành bưu chính vẫn đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn.

Tăng trưởng trong trập trùng nỗi lo

Báo cáo của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, năm 2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2022, đạt 94% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2022.

Nền tảng Địa chỉ số quốc gia đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ đưa được 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử…

Đặc biệt, hiện có 40 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển giao một số công việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính (là nhiệm vụ của công chức các sở tại bộ phận một cửa) cho nhân viên bưu điện thực hiện (theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021).

Cách làm trên, theo ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm biên chế, nhân sự, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, lĩnh vực bưu chính tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội, trong việc đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu và đóng góp quan trọng cho phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điều này đã được khẳng định trong thời điểm dịch Covid-19, chỉ có hai doanh nghiệp bưu chính nhà nước là VNPost và Viettel gánh vác vai trò chuyển phát đi khắp mọi miền Tổ quốc, vẫn hoạt động tích cực, hiệu quả trong khi mọi người ở trong nhà.

Tuy nhiên, theo ông Lã Hoàng Trung, ngành bưu chính vẫn tồn tại nhiều vấn đề, như doanh nghiệp bưu chính không gửi báo cáo, không thông báo hoạt động với Sở Thông tin và Truyền thông địa phương; cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần (giảm giá, khuyến mãi, tặng quà…); doanh nghiệp bưu chính không cung ứng dịch vụ bưu chính hoặc sử dụng giấy phép bưu chính cho các mục đích khác, như sử dụng xe bưu chính đi vào đường cấm).

Bà Phạm Thị Xuân Thủy, Phó trưởng phòng Phòng Thanh tra bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) thì cho biết, Thanh tra Bộ đã kiểm tra doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính và phát hiện rất nhiều doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính không thuộc lĩnh vực bưu chính. Thanh tra cũng phát hiện các sai phạm về cước, khuyến mại tại Công ty TNHH SPX Express, Công ty cổ phần GoFast, Công ty cổ phần TNHH Grab Việt Nam…

Bên cạnh đó, trong năm 2023 nổi lên vấn đề các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop… không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển, mà các sàn tự chủ động phân phối các đơn hàng cho các đơn vị vận chuyển do họ tự liên kết hoặc tự xây dựng.

“Việc các sàn thương mại điện tử chỉ định đơn vị vận chuyển hay thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị đó là dấu hiệu của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính”, bà Hà Thị Hòa, Trưởng ban Ban Dịch vụ Bưu chính (Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam - Vietnam Post) cho biết.

Sửa Luật Bưu chính là ưu tiên số 1

Trước những vấn đề tồn tại trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý phù hợp đối với các doanh nghiệp bưu chính hoạt động theo mô hình mới, mô hình liên kết với sàn thương mại điện tử. Đồng thời, trong năm 2024, Thanh tra Bộ sẽ định hướng công tác thanh tra và tập trung vào các doanh nghiệp bưu chính có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có hiện tượng bù chéo dịch vụ (các mô hình kinh doanh mới, cung ứng dịch vụ bưu chính có kết nối, liên kết với sàn thương mại điện tử, vi phạm về quy định giá cước, chất lượng, về đảm bảo an toàn thông tin, của người sử dụng dịch vụ); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bưu chính đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính qua sàn thương mại điện tử.

Bộ Công an kiến nghị sửa đổi Luật Bưu chính để giải quyết những vấn đề tồn tại của lĩnh vực như cần quy định rõ tiêu chí về các hàng cấm gửi là hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, ma tuý, vũ khí, tài liệu hoạt động từ nước ngoài, văn hoá phẩm đồi trụy qua đường bưu chính. Hay việc cấp phép cho doanh nghiệp bưu chính phải đảm bảo các yếu tố về vốn, công nghệ, an toàn dữ liệu cá nhân.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương chỉ đạo, trong quý I/2024, Thanh tra Bộ, Vụ Bưu chính phải bằng mọi cách xử lý dứt điểm các doanh nghiệp không cung cấp dịch vụ bưu chính mà xin giấy phép bưu chính. Đề nghị Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông cùng vào cuộc. Đồng thời, phải xây dựng chính sách về giá cước bưu chính theo hướng Bộ tập trung quản lý chất lượng dịch vụ. Cụ thể, về quản lý chất lượng dịch vụ, Bộ sẽ công bố tiêu chuẩn, xếp hạng chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính nhằm giúp khách hàng có được lựa chọn uy tín nhất.

“Sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính là nhiệm vụ cần ưu tiên của năm 2024. Bộ giao Vụ Bưu chính năm 2024 tập trung đề xuất sửa Luật Bưu chính. Đây là một việc quan trọng và phải ưu tiên số 1”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp bưu chính, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần chấp nhận thay đổi, tăng cường áp dụng công nghệ để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

Theo Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, lĩnh vực bưu chính phải trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số, đặc biệt của thương mại điện tử, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới và thúc đẩy phát triển chính phủ số, xã hội số.

Tin bài liên quan