Các hãng ô tô lớn toàn cầu bị lép vế ở thị trường Trung Quốc

Các hãng ô tô lớn toàn cầu bị lép vế ở thị trường Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà sản xuất ô tô quốc tế chứng kiến thị phần của họ giảm từ 61% vào năm 2020 xuống còn 41% trong quý IV/2022.

Các hãng sản xuất ô tô lâu đời gần đây có vẻ đang lạc quan cho rằng doanh số bán xe ở Trung Quốc sẽ tăng cao hơn sau khi thị trường này mở cửa trở lại. Cụ thể, ông chủ của Volkswagen Oliver Blume đã lạc quan hơn sau chuyến thăm của vào tháng 2/2023 tới Trung Quốc; những hãng xe khác như BMW cũng đưa ra quan điểm tích cực tương tự. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều hãng xe trong số đó đang dần bị loại khỏi thị trường ô tô của Trung Quốc và thị phần của các hãng xe lâu đời ngày càng giảm.

Mặc dù sẽ có sự phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm 2023 khi các hãng sản xuất này giải phóng hết hàng tồn kho cũ, song giới chuyên gia dự đoán tổng thị phần của họ trong năm nay sẽ dưới 50%.

Có khá nhiều sự khác biệt giữa các hãng sản xuất ô tô lâu đời nếu xét về hiệu suất kinh doanh. Doanh số bán hàng của Toyota tại Trung Quốc đã tăng khá tốt, trong khi các đối thủ Nhật Bản - là các hãng Nissan và Honda - lại chứng kiến sự sụt giảm lớn trong vài năm qua. Các thương hiệu cao cấp thường có doanh số tốt hơn so với các thương hiệu đại chúng.

Sự phát triển của xe điện là yếu tố quan trọng nhất làm thay đổi trật tự phân hạng ô tô ở Trung Quốc. Theo chuyên gia phân tích Colin McKerracher, chu kỳ lập kế hoạch sản phẩm ô tô thường kéo dài và nhiều nhà sản xuất ô tô lâu đời đã đánh giá sai tốc độ chuyển sang dùng xe điện của thị trường Trung Quốc.

Các hãng sản xuất ô tô lâu đời của quốc tế chỉ chiếm 8% thị trường xe plug-in tại Trung Quốc trong quý IV/2022 và nhiều sản phẩm xe điện của họ không cạnh tranh được với các sản phẩm trong nước về giá cả, phạm vi di chuyển và tính năng. Thị phần của họ trên thị trường EV Trung Quốc giảm dần khi các công ty như BYD và Tesla chớp lấy thời cơ đi trước và nhiều hãng sản xuất ô tô trong nước tung ra một loạt mẫu xe điện mới.

Tổng doanh số bán hàng của các thương hiệu Nhật Bản đã giảm 39% trong tháng 1 và 2, trong khi của Đức giảm 21%. Ngược lại, BYD đã bán được hơn 300.000 xe trong khoảng thời gian đó, tăng hơn 70%. Người sáng lập Wang Chuanfu tuần trước cho biết, Công ty đặt mục tiêu trở thành hãng sản xuất ô tô bán chạy nhất Trung Quốc vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác cũng đang diễn ra, những tính năng kết nối và phần mềm trong xe mà các hãng ô tô Trung Quốc cung cấp thường có xu hướng công nghệ hơn và có nhiều tính năng tốt hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng áp dụng công nghệ mới nhanh hơn so với những người mua xe mới ở các thị trường phương Tây.

Ngoài ra, xe điện cũng là một phần trong các mục tiêu dài hạn của Chính phủ Trung Quốc. Các hãng ô tô toàn cầu được yêu cầu sản xuất xe với các đối tác liên doanh trong nước, một động thái được cho là để tăng tốc độ chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất. Rõ ràng, điện khí hóa đang tạo ra một làn sóng để các hãng xe Trung Quốc phát triển lớn mạnh hơn nữa.

Trung Quốc vốn là một thị trường quan trọng đối với các hãng sản xuất ô tô toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Phần lớn tăng trưởng doanh số bán xe toàn cầu trong 20 năm qua đến từ sự phát triển của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Sẽ không có câu chuyện tăng trưởng nào khác giống như Trung Quốc trong tương lai, và với động lực thay đổi nhanh chóng như hiện nay, các hãng sản xuất ô tô truyền thống đang bị buộc phải bước vào thời đại điện khí hoá, mà chưa rõ liệu ai sẽ thành công trong lĩnh vực này.

Tin bài liên quan