Các ngân hàng trung ương đã giảm bớt tốc độ tăng lãi suất trong tháng 10

Các ngân hàng trung ương đã giảm bớt tốc độ tăng lãi suất trong tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tốc độ và quy mô tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong tháng 10 đã chậm lại đáng kể sau đỉnh lịch sử của tháng 9.

Vào tháng 10, có 4 trong số 10 ngân hàng trung ương của các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất đã đưa ra mức tăng lãi suất tổng cộng 200 điểm cơ bản, trong khi các ngân hàng còn lại giữ nguyên lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA), Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) và Ngân hàng Canada (BoC) là những ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất cho vay.

Tổng mức tăng lãi suất ở 10 ngân hàng trung ương lớn

Tổng mức tăng lãi suất ở 10 ngân hàng trung ương lớn

Trong khi đó, 8 trong số 10 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất tổng cộng 550 điểm cơ bản vào tháng 9, đây là tốc độ thắt chặt nhanh nhất trong ít nhất hai thập kỷ.

Theo đó, các động thái tăng lãi suất mới nhất của các ngân hàng trung ương trong tháng 10 đã nâng tổng mức tăng lãi suất vào năm 2022 từ các ngân hàng trung ương G10 lên 2.050 điểm cơ bản.

Chiến lược gia Marko Kolanovic tại JPMorgan cho biết: “Tốc độ thắt chặt của ngân hàng trung ương có thể đã lên đến đỉnh điểm”.

"Những giọng điệu ôn hòa hơn từ ECB, BoC, Fed và RBA gần đây cho thấy tốc độ thắt chặt của ngân hàng trung ương có thể sẽ chậm lại trong những tháng tới, mặc dù vẫn còn sớm để đánh giá liệu điều này có đồng nghĩa với việc lãi suất cuối chu kỳ tăng thấp hơn hay không”, chiến lược gia Marko Kolanovic cho biết.

Thị trường gần đây đã chú ý đến những dấu hiệu cho thấy ​​các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất.

Tuy nhiên, chiến lược gia Jean Boivin, người đứng đầu BlackRock Investment Institute cho biết, bất kỳ sự lạc quan nào về mặt đó cũng có thể là quá sớm.

"Chúng tôi thấy các ngân hàng trung ương đang trên con đường thắt chặt chính sách. Chúng tôi cho rằng, Fed cũng như các ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển khác sẽ chỉ dừng lại khi thiệt hại nghiêm trọng từ việc tăng lãi suất rõ ràng hơn. Lãi suất có thể đã chạm mức có thể gây ra suy thoái theo quan điểm của chúng tôi", chiến lược gia chiến lược gia Jean Boivin cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu.

Dữ liệu từ các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi đã vẽ nên một bức tranh tương tự. Có 5 trong số 18 ngân hàng trung ương đã thực hiện tăng lãi suất 325 điểm cơ bản trong tháng 10, chưa bằng một nửa so với mức tăng của tháng 9 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 800 điểm cơ bản trong cả tháng 6 và tháng 7.

Các quốc gia Indonesia, Hàn Quốc, Israel, Colombia và Chile đều tăng lãi suất và chu kỳ tăng lãi suất này có thể cũng sắp kết thúc mặc dù có một số khác biệt trong quỹ đạo ngắn hạn. Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở Chile cho biết hiện tại không có đợt tăng lãi suất nào nữa, thì ngân hàng trung ương Israel cho biết họ có thể tăng lãi suất cao hơn mức hiện tại.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy lãi suất thấp hơn và mới đây đã đưa ra mức cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản ​​mặc dù lạm phát ở mức trên 80%.

Chiến lược gia Ehsan Khoman tại MUFG cho biết: “Mức độ của áp lực chi phí sinh hoạt là không đồng bộ ở các nền kinh tế mới nổi”.

Tổng cộng, các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi đã tăng lãi suất tổng cộng 6.765 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay, hơn gấp đôi so với 2.745 điểm cơ bản trong cả năm 2021.

Tin bài liên quan