Các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ổn định trong tháng 10

Các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ổn định trong tháng 10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển đã lần đầu tiên đồng lòng không tăng lãi suất  kể từ tháng 1/2022 trong cuộc họp tháng 10/2023, trong khi các thị trường mới nổi có sự chia rẽ.

Tháng 10 ghi nhận 5 ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất tổ chức các cuộc họp thiết lập lãi suất, với các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Dự trữ Úc, Ngân hàng Dự trữ New Zealand và Ngân hàng Canada đều quyết định giữ nguyên lãi suất.

Trong khi các ngân hàng trung ương lớn còn lại là Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Anh và Mỹ không tổ chức cuộc họp ấn định lãi suất nào.

Vào tháng 9, ba ngân hàng trung ương phát triển lớn đã thực hiện đợt tăng lãi suất khiến tổng số lần tăng lãi suất tính đến thời điểm hiện tại của các ngân hàng trung ương G10 vào năm 2023 là 1.150 điểm cơ bản với 36 lần tăng lãi suất.

Các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ổn định trong tháng 10 ảnh 1

Các ngân hàng trung ương lớn giữ lãi suất ổn định trong tháng 10

Các nhà phân tích cho biết, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu của các ngân hàng trung ương, sự gia tăng nhanh chóng gần đây của làn sóng trái phiếu toàn cầu đã thay đổi bối cảnh đáng kể nhờ sự gia tăng lợi suất ở phần cuối của đường cong lợi suất ở cả thị trường phát triển và mới nổi.

Fabiana Fedeli, Giám đốc đầu tư tại M&G Investments cho biết: “Lợi suất cao hơn có thể đang thực hiện một số công việc thắt chặt đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và ECB, đồng thời việc các ngân hàng trung ương tạm dừng theo dõi tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó đối với nền kinh tế ngày càng có khả năng xảy ra”.

Fed sẽ công bố quyết định lãi suất vào thứ Tư (1/11) và đây rất có thể là thời điểm gần nhất với việc kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Trong khi đó, quỹ đạo lãi suất khác nhau tiếp tục được thể hiện ở các nền kinh tế mới nổi, với 12 trong số 18 ngân hàng trung ương trong mẫu quan sát của Reuters đã tổ chức các cuộc họp vào tháng 10.

Châu Mỹ Latinh, Trung Âu và Đông Âu đang đi đầu trong chu kỳ nới lỏng, với Chile, Hungary và Ba Lan đã kéo dài chu kỳ cắt giảm lãi suất tổng cộng 150 điểm cơ bản trong tháng 10.

Barnaby Martin, chiến lược gia tín dụng tại BofA Securities cho biết: “Việc cắt giảm lãi suất đang quay trở lại nhanh chóng vì chu kỳ tăng lãi suất được cho là quá nhanh và quá dữ dội đối với một số người”. Các thị trường mới nổi đã chứng kiến đợt cắt giảm lãi suất gần giống như hiện tại vào mùa hè năm 2020, khi các nhà hoạch định chính sách chống chọi với hậu quả từ đợt bùng phát Covid-19.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương châu Á vẫn đang trong chu kỳ thắt chặt khi cả Indonesia và Philippines đều tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - cả hai đều đang phải đối mặt với áp lực lên đồng nội tệ do những câu chuyện riêng chứ không phải do bối cảnh toàn cầu - đã nâng lãi suất lần lượt là 200 điểm cơ bản và 500 điểm cơ bản trong tháng 10.

Các ngân hàng trung ương ở Brazil, Mexico, Nam Phi, Thái Lan, Malaysia và Cộng hòa Séc đã không tổ chức họp vào tháng 10.

Tổng số lần tăng lãi suất trong năm nay trên toàn cầu ở mức 4.225 điểm cơ bản qua 34 lần tăng lãi suất, trong khi các nhà hoạch định chính sách cũng đưa ra mức cắt giảm lãi suất 570 điểm cơ bản qua 11 lần.

Tin bài liên quan