Các quốc gia lớn đang trong cuộc chiến giành nguồn cung LNG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhật Bản – quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu – mới đây cho biết, sẽ không có hợp đồng dài hạn nào cho các lô hàng LNG trước năm 2026.
Các quốc gia lớn đang trong cuộc chiến giành nguồn cung LNG

Trao đổi với Bộ thương mại Nhật Bản, các công ty nhập khẩu LNG của nước này cho biết rằng, không có hợp đồng dài hạn nào cho các lô hàng LNG trước năm 2026.

"Môi trường giao dịch LNG đã thay đổi hoàn toàn. Việc mua LNG cũng có thể nói là đang trong tình trạng chiến tranh", các công ty Nhật Bản nói với Bộ thương mại nước này.

Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đang cạn kiệt đã khiến các quốc gia chạy đua để đảm bảo vận chuyển loại nhiên liệu chính này. Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, tình trạng siết chặt này là do thiếu đầu tư vào các dự án xuất khẩu LNG.

Đồng thời, các quốc gia châu Âu sẽ tăng cường nhập khẩu LNG từ năm 2023 sau khi Moscow cắt đứt dòng khí đốt từ đường ống dẫn đến lục địa này để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Châu Âu đã ở trong "cuộc cạnh tranh lớn" với châu Á trong việc tìm nguồn cung LNG nhằm thay thế nguồn cung của Nga.

“Cạnh tranh LNG toàn cầu có thể sẽ nóng lên hơn nữa”, Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết.

Theo IEA, Nhật Bản là nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, nhưng Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản trong cuộc đua này.

Ban đầu Trung Quốc đã đóng vai trò là bên cung cấp thêm nguồn cung LNG cho châu Âu, nhưng nước này đã tạm dừng xuất khẩu LNG đến châu Âu để đảm bảo nhu cầu khí đốt trong nước, đặc biệt trong những tháng lạnh hơn.

Hôm thứ Hai (21/11), QatarEnergy đã đồng ý một thỏa thuận 27 năm để cung cấp LNG cho Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc - hợp đồng dài hạn nhất từ ​​​​trước đến nay.

Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, châu Âu sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt LNG trong những năm tới nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Nếu điều đó xảy ra, cơ quan này dự báo sẽ có sự thiếu hụt 7,6 triệu tấn LNG trên toàn cầu vào tháng 1/2025.

Khoảng cách giữa cung và cầu LNG toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm bớt vào năm 2026, khi các dự án đã được lên kế hoạch ở Mỹ và Qatar dự kiến ​​đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm đó, do thiếu các hợp đồng dài hạn, các nhà nhập khẩu sẽ buộc phải mua khí tự nhiên từ thị trường giao ngay với mức giá cao hơn nhiều. Theo Bloomberg, thị trường giao ngay hiện đang giao dịch với mức giá cao gấp ba lần so với các hợp đồng dài hạn.

Tin bài liên quan