Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Cải thiện quản trị công ty đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế Việt Nam sau đại dịch đã phục hồi mạnh mẽ, trong đó quản trị công ty tốt đóng vai trò quyết định cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong quản lý rủi ro về môi trường - xã hội - quản trị (ESG), mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, cổ đông, nhân viên, khách hàng và cộng đồng.

Nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty tốt đối với nền kinh tế nói chung, sự phát triển ổn định hiệu quả của thị trường chứng khoán nói riêng, ngay từ khi thành lập thị trường, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, xây dựng khung khổ pháp lý, tạo nền tảng cho việc tiếp thu các thông lệ quản trị công ty tốt nhất, đặc biệt là các tiêu chuẩn của OECD.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành bộ quy tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất vào năm 2019. Đây là bộ tài liệu cung cấp các hướng dẫn và khuyến khích thông lệ tốt nhất cho quản trị công ty, dành cho các công ty đại chúng. Bên cạnh các thông lệ tốt nhất mà các công ty đã và đang thực hiện, bộ quy tắc này khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực cao hơn yêu cầu tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách liên quan đến quản trị công ty, Ủy ban Chứng khoán cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo và hàng trăm khóa học về quản trị công ty cho các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết, nhằm nâng cao nhận thức và năng lực quản trị công ty.

Thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đại hội cổ đông, cho phép cổ đông tham dự đại hội theo hình thức trực tuyến và biểu quyết thông qua trên nền tảng bảo mật của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các công ty công nghệ, từ đó đảm bảo quyền của cổ đông ở khía cạnh tham dự và biểu quyết tại đại hội cổ đông.

Có thể nói, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quản trị công ty, tuy nhiên, cần thực thi mạnh mẽ hơn để nâng cao nền tảng quản trị công ty cho các doanh nghiệp. Ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ, hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả, bản thân từng doanh nghiệp, từng thành viên hội đồng quản trị, từng thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ và đạo đức nghề nghiệp để nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Các báo cáo đánh giá về thực thi quản trị công ty đều cho thấy vai trò lãnh đạo của hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp đại chúng là hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi hội đồng quản trị phải có tầm nhìn và cam kết trong một khuôn khổ cơ chế đảm bảo quản trị tốt, minh bạch thông tin và tôn trọng quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan.

Các cải thiện công ty quan trọng cần thực thi nằm ở khía cạnh cấu trúc quyền lợi và trách nhiệm trong quản trị công ty, sự minh bạch trong phân công trách nhiệm cho các thành viên hội đồng quản trị, nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ và minh bạch thông tin, nâng cao thực hành và bảo vệ quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan.

Việc cải thiện quản trị công ty các công ty đại chúng luôn đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên khác nhau, của các cơ quan quản lý, các tổ chức hành động vì thị trường minh bạch, của chính những người tham gia thị trường và các cổ đông.

Tin bài liên quan