Cần áp dụng đàm phán giá với cả thiết bị và vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Phiên họp sáng 5/4 của hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phiên họp sáng 5/4 của hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Cuối giờ sáng 5/4, ngay sau khi hết ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chuyển sang cho ý kiến dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết.

Liên quan đến mua thuốc, vật tư y tế, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, ông Toàn thông tin, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.

Cụ thể, Điều 23 về chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”.

Điều 28 về hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 01 đến 02 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”.

Chương V (từ điều 54 đến điều 57) quy định về “mua sắm tập trung, mua thuốc”… Trong đó, Điều 56 đã quy định bao quát các trường hợp mua hóa chất, trang thiết bị y tế, trong đó quy định rõ về thời hạn đấu thầu hóa chất đi kèm sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay là 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực. Quy định việc lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ y tế để đảm bảo tính hiệu quả, công khai, minh bạch.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), người có nhiều năm công tác trong ngành y lưu ý quy định "số lượng lớn" ở điều 53, quy định đấu thầu tập trung được áp dụng khi: hàng hóa dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn.

Ông Trí đề nghị đấu thầu tập trung thực hiện với hàng hóa số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm vì như vậy mới đấu thầu được, có nhà cung cấp. Quá ít, từng đơn vị mua không ai bán cả. Hai là các loại thuốc hiếm... để phục vụ cho bệnh nhân tất cả bệnh viện. Qua đó giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

"Tôi lấy ví dụ, phác đồ Viện huyết học truyền máu đã phổ biến cho các bệnh viện nhưng vì không có thuốc nên buộc người ta phải kéo nhau tập trung về bệnh viện tuyến trên, chuyên khoa nên rất khó khăn", ông Trí nêu.

Quy định như trên, theo đại biểu Trí cũng đồng thời hạn chế được tiêu cực cho cả người mua sắm lẫn bệnh nhân khi phải mua thuốc trôi nổi. Cùng đó đảm bảo an toàn cho giám đốc bệnh viện khi quản trị bệnh viện khỏi bị sa sẩy chuyện nọ chuyện kia.

"Đấu thầu thuốc ít, thuốc hiếm cơ bản thực hiện ở cơ quan cấp bộ để cung cấp cho các bệnh viện cả nước. Đây là vấn đề quan trọng nhất, thực tế bị vướng cái này. Cá nhân tôi trao đổi với đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đồng ý cái này", ông Trí nói.

Vị đại biểu Hà Nội cũng cho rằng, mua sắm thuốc men vật tư y tế khó, dễ sai sót, hay bị tham nhũng tiêu cực, rất mong Quốc hội xem xét quy định chặt chẽ, rõ và khả thi.

Theo đại biểu thì quy trình mua sắm gói gọn lại chỉ có 2 bước: Đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp quốc gia lựa chọn nhà thầu, mà quan trọng nhất là chất lượng và giá tức giá trần. Sau đó, cơ sở y tế có nhu cầu căn cứ đấu thầu tập trung đã có đó lựa chọn nhà thầu với số lượng phù hợp cơ sở của mình và giá không cao hơn giá trần.

Đại biểu Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội góp ý, Điều 28 quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc là biệt dược hoặc là thuốc chỉ có 1-2 nhà sản xuất, tuy nhiên cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với thiết bị và vật tư y tế.

Bởi lẽ thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm, v.v. thường chỉ có 1 đến 2 hãng sản xuất hoặc là bán hàng tại Việt Nam, tương tự như vậy thì máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch ở mỗi lĩnh vực cũng hạn chế nhà cung cấp.

Cũng như thiết bị y tế, vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh.

"Quý vị chắc rất quen với stent động mạch, nếu stent thông thường chỉ khoảng 20 đến 30 triệu nhưng một nhà sản xuất chỉ phát minh ra một stent phủ thuốc có thể đắt gấp 2, gấp 3 lần, từ 20 triệu lên tới 70 triệu. Như vậy là chúng ta cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất, điều này cũng có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ bảo hiểm y tế, bởi vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh. Cho nên tBan soạn thảo nghiên cứu để bổ sung đàm phán giá không chỉ áp dụng đối với thuốc mà áp dụng đối với cả thiết bị và vật tư y tế", ông Khảm phát biểu.

Chiều 5/4 các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tin bài liên quan