Ông Nguyễn Huy Hiền

Ông Nguyễn Huy Hiền

Cần bổ sung cơ chế xử lý nợ

(ĐTCK) Đó là ý kiến của ông Nguyễn Huy Hiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

> Tái cấu trúc DNNN: Đột phá thông qua xử lý nợ xấu

Ông Hiền nói:

Tái cơ cấu DN hiện là vấn đề cấp thiết đối với nhiều DNNN, nhằm tạo ra những DN mới năng động hơn, hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, để tái cơ cấu thành công, cần phải có bước đánh giá, xử lý những tồn đọng, đặc biệt là xử lý công nợ và tài sản tồn đọng. Những định chế tài chính như DATC đã đáp ứng yêu cầu giúp các DNNN xử lý được công nợ tồn đọng, cơ cấu lại công nợ, cơ cấu lại tài chính hợp lý, đáp ứng đủ điều kiện cơ bản để cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp, đổi mới DNNN theo mô hình mới hiệu quả hơn.

Thời gian vừa qua, DATC đã hỗ trợ nhiều DNNN cơ cấu nợ để chuyển thành CTCP (phần lớn những đơn vị này nếu không được DATC cơ cấu nợ sẽ phải giải tán hoặc phá sản). Tuy nhiên, tiến trình xử lý còn quá chậm, thông thường từ khi mua bán nợ xong đến khi CPH xong mất 2 - 3 năm, nguyên nhân chủ yếu do thiếu cơ chế, hoặc cơ chế chưa rõ ràng, cụ thể. Mỗi đơn vị từ khi mua bán nợ đến khi CPH xong, ít nhất phải trình Thủ tướng Chính phủ xin xử lý tình huống cụ thể một lần. Việc chậm trễ làm tăng thêm thua lỗ, thêm khó khăn cho DN, đồng thời mất nhiều cơ hội trong sản xuất - kinh doanh. Để khắc phục những tồn tại hiện nay, cần bổ sung cụ thể cơ chế xử lý cho DATC và cơ chế cho các DNNN thuộc diện cơ cấu nợ thông qua mua bán nợ, ví dụ:

- Quy định cụ thể về việc được chuyển nợ thành vốn góp của DATC và của các tổng công ty đối với DN thành viên chuyển đổi.

- Trường hợp sau khi xử lý tài chính, đánh giá lại vẫn còn âm vốn chủ sở hữu, nhưng thị trường chấp nhận, cổ đông chấp thuận mua cổ phần, đề nghị bộ chủ quản vẫn phê duyệt giá trị DN và phê duyệt phương án xử lý tài chính để làm căn cứ chuyển DNNN thành CTCP.

- Bổ sung quyền hạn cho DATC để Công ty chủ động hơn trong việc quyết định các phương án mua bán nợ và xử lý nợ. Ví dụ, quy định hiện nay, sau khi mua nợ, DATC được giảm trừ trách nhiệm trả nợ cho DNNN bằng số âm vốn chủ sở hữu là hơi cứng nhắc. Nên quy định giao cho đơn vị mua bán nợ chủ động quyết định (dựa trên nguồn lực thực tế) sau khi cơ cấu nợ, vốn nhà nước tại DNNN vẫn còn, thì việc CPH sẽ hiệu quả hơn.